Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Pew: 2013 - 73% người trưởng thành sử dụng MXH

Pew: 2013 - 73% người trưởng thành sử dụng MXH

Một báo cáo mới vừa được Pew Research công bố cho thấy, có tới 73% người lớn sử dụng MXH trong năm qua. Trong khi đó, ở độ tuổi thanh thiếu niên, số lượng sử dụng giảm.



Theo kết quả, trong năm 2013 vừa qua, Facebook vẫn là MXH được ưa chuộng nhất với 71%, tăng từ 67% so với năm ngoái. Pinterest cũng ghi nhận mức tăng khá cao, từ 15% lên 21%. Các MXH khác có mức tăng ít hơn là Instagram (4%), Twitter, LinkedIn (2%).



Cũng trong số liệu này cho thấy, tỉ lệ nữ giới sử dụng Pinterest, LinkedIn gấp 4 lần so với nam giới, Twitter và Instagram chủ yếu được sử dụng bởi người trẻ tuổi (đã trưởng thành), các cư dân vùng đô thị và người da đen chiếm tỉ lệ nhiều hơn.


Một điều tương đối thú vị là những người sử dụng Instagram gần như cũng sử dụng Facebook. 36% chỉ sử dụng 1 trang MXH và Facebook chiếm tới 84%. Báo cáo cũng ghi nhận lượng người dùng từ 65 tuổi trở lên sử dụng Facebook tăng từ 35% lên 45% so với năm 2012.



Mặc dù lượng người trưởng thành có xu hướng sử dụng Facebook nhiều hơn nhưng thanh thiếu niên gần như đang có xu hướng ngược lại khi đang dần từ bỏ MXH lớn nhất thế giới này để quay sang sử dụng Snapchat, Twitter hay Instagram (cũng của Facebook).


Dữ liệu trên được Pew thu thập từ Princeton Survey Research Associates International, khảo sát bằng việc phỏng vấn qua điện thoại với 1801 người có độ tuổi từ 18 trở lên và thực hiện từ 16/9/2013.


Theo Venturebeat



Bộ kết luận vụ 3 nhà mạng “bắt tay” tăng cước 3G

Bộ kết luận vụ 3 nhà mạng “bắt tay” tăng cước 3G

Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chính thức công bố kết quả xác minh các dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh của 3 doanh nghiệp viễn thông trong đợt điều chỉnh cước dịch vụ dữ liệu 3G từ ngày 16/10/2013.


Cục kết luận: Chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, MobiFone và Vinaphone.



Theo đó, kết quả xác minh quá trình điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Di động VNS (MobiFone), Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty dịch vụ viễn thông (Vinaphone) cho thấy:


Đợt điều chỉnh giá từ ngày 16/10/2013 của Viettel, MobiFone và Vinaphone là thực hiện theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông theo Quyết định số 32/2012/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.


Trong quá trình thực hiện điều chỉnh giá, từng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng kí giá cước riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đề nghị áp dụng giá cước mới của từng doanh nghiệp trong hồ sơ đăng giá cước là có sự khác biệt.


Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản chấp thuận phương án điều chỉnh giá cước dữ liệu 3G của 3 doanh nghiệp vào cùng ngày 4/10/2013, từng doanh nghiệp đã ban hành quyết định điều chỉnh giá cước ở các thời điểm khác nhau.


Phương án điều chỉnh giá các gói cước (tăng, giảm hoặc giữ nguyên), phương án cung cấp các gói cước (ngừng cung cấp một số gói cước hoặc đưa ra các gói cước mới) của 3 doanh nghiệp liệu quan cũng có nhiều điểm khác biệt.


Về việc 3 doanh nghiệp điều chỉnh một số gói cước với cùng mức tăng theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) các gói cước được điều chỉnh giống nhau đều là gói cước thông dụng và phương pháp điều chỉnh giá cước đã được cục Viễn thông phê duyệt.


Cục Quản lí cạnh tranh kết luận: Chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, Mobifone và Vinaphone trong đợt điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10/2013.


Tự ý cài ứng dụng "luộc" tiền khách hàng


Trong thời gian Cục Quản lí cạnh tranh của Bộ Công thương điều tra có hay không việc Viettel, MobiFone, Vinaphone "bắt tay" tăng cước 3G, người dùng tá hỏa khi gói cước 3G trả trước của cả 3 nhà mạng có mức tăng lên đến hơn 300%, và mất trăm tỉ cho những ứng dụng mà nhà mạng tự ý cài đặt.


Cụ thể, gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 200 đồng/MB, tăng 333,3% so với cước cũ; gói cước FC0 của MobiFone, Laptop Easy của Viettel cũng có mức tăng tương tự từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB.


Trước đây mỗi thuê bao chỉ phải tốn trung bình 60.000 đồng/tháng cho loại dịch vụ 3G này thì giờ đây họ phải tốn ít nhất 200.000 đồng/tháng.


Với đại đa số thuê bao trong khoảng 3,4 triệu thuê bao 3G phát sinh lưu lượng, sử dụng dịch vụ 3G trên máy tính bảng, USB 3G đều không đăng kí dịch vụ trọn gói, sau khi mức cước tăng nhảy vọt, nhà mạng đã kiếm thêm 500-600 tỉ đồng/tháng.


Đặc biệt, các nhà mạng tích hợp ứng dụng trên sim cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra.


Tại Vinaphone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỉ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỉ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.


Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus do nhà mạng cài đặt sẵn trên sim điện thoại, bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.


Ngoài ra, các nhà mạng đã thu tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng sổ tiền gần 693 triệu đồng tại Vinaphone.


MobiFone cũng móc túi của người dùng gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.


Viettel cũng trong tình trạng thu cước người sử dụng đối với các tin nhắn này, tiếp tục gửi quảng cáo cho người sử dụng mặc dù chủ thuê bao đã nhắn tin từ chối nhận tin nhắn quảng cáo.


Tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2014 của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 13/12, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước theo cơ chế thị trường, giá cước được thiết lập trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng giá chung của khu vực.


Hiện nay, 3 doanh nghiệp viễn thông trên chiếm 95% thị phần viễn thông tại Việt Nam. Sau khi đồng loạt tăng cước, dư luận đều cho rằng, cả 3 doanh nghiệp đã bắt tay ép giá người tiêu dùng.


Theo Đất Việt



Siết chặt kiểm tra việc bán hàng qua mạng

Siết chặt kiểm tra việc bán hàng qua mạng

Việc bán hàng qua mạng trong năm tới sẽ được siết chặt hơn nữa thay vì để tự do, tràn lan và thiếu kiểm soát như hiện nay.



Theo Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương vừa cho biết, kể từ ngày 1/1/2014 cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT dưới các hình thức website TMĐT bán hàng, website cung cấp dịch vụ TMĐT và các loại hình website khác do Bộ Công thương quy định, nếu không đăng kí, thông báo sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 185.


Tính đến nay có hơn 200 website TMĐT bán hàng đã thông báo và hơn 100 website cung cấp dịch vụ TMĐT đã được xác nhận đăng kí. Tuy nhiên, con số này còn ít hơn nhiều so với hàng vạn website bán hàng qua mạng đang được lưu hành.


Do vậy, từ 1/1/2014, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan có chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT. Các website thuộc diện thanh tra, kiểm tra bao gồm: website TMĐT bán hàng, websie cung cấp dịch vụ TMĐT (sàn giao dịch TMĐT, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mãi trực tuyến và các loại website khác do Bộ Công thương quy định).


Mức xử phạt hành chính đối với cá nhân sẽ dao động từ 10 - 50 triệu đồng, tổ chức, doanh nghiệp từ 10 - 100 triệu đồng nếu thiết lập website mà không thông báo với cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền,...


Cùng với việc phạt tiền, các website cung cấp dịch vụ TMĐT vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 6 - 12 tháng, bị tịch thu tang vật và phương tiện, thu hồi tên miền “.vn” được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm,...


Theo Thanh Niên



Ưu, nhược của các loại bút cảm ứng hiện nay

Ưu, nhược của các loại bút cảm ứng hiện nay

Hiện nay các nhà sản xuất tablet thường bán kèm theo bút cảm ứng Stylus như một cách quảng cáo, tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm. Từ tablet Android, Windows, cho tới các nhà sản xuất bút cảm ứng cho iPad, có rất nhiều loại bút để người dùng lựa chọn.



Tuy nhiên, có một điều cần phải khẳng định ngay đó là không phải tất cả các bút này đều giống nhau. Công nghệ được dùng trong màn hình cảm ứng của thiết bị sẽ quyết định loại bút cảm ứng mà bạn có thể sử dụng. Hiểu được chức năng, sự khác biệt giữa các loại bút sẽ giúp bạn đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho nhu cầu của mình.


Một ví dụ đó là nếu bạn muốn tạo nên các bức vẽ chuyên nghiệp trên màn hình tablet, lựa chọn sử dụng Surface Pro 2 cùng bút đi kèm nó (có tên Surface Pro Pen) sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc mua Dell Venue 8 Pro, mặc dù sản phẩm này cũng được quảng cáo là hỗ trợ bút cảm ứng như Surface.


Bút Stylus điện dung



Hiện nay hầu hết các thiết bị đều đã chuyển sang sử dụng màn hình cảm ứng điện dung, chỉ có một số ít ngoại lệ dùng cảm ứng điện trở như GamePad của Wii U. Màn hình cảm ứng điện dung giúp bạn chỉ cần chạm vào màn hình để điều khiển, không phải ấn mạnh xuống như màn hình điện trở.


Cách rẻ nhất, đơn giản nhất để có thể trải nghiệm bút cảm ứng đó chính là sở hữu cho mình một chiếc bút cảm ứng điện dung. Cách thức hoạt động của loại bút này giống y hệt như ngón tay của bạn: thay đổi trường điện từ của màn hình khi bạn chạm vào. Loại bút này cũng rất dễ sản xuất và thậm chí chỉ cần một chút mày mò là tự bản thân bạn cũng có thể làm được.


Điểm mạnh:


- Tương thích với bất kì thiết bị nào: Miễn là thiết bị của bạn dùng màn hình cảm ứng điện dung, bạn có thể sử dụng chiếc bút này trên thiết bị đó.


- Không cần đến pin: Bạn không cần phải sạc pin cho bút.


- Rẻ: Dễ chế tạo, thậm chí tự bản thân người dùng cũng có thể tự làm một chiếc bút cảm ứng này.


Điểm yếu:


- Không có độ nhạy lực: Cũng giống như việc màn hình không thể nhận diện và phân biệt được lực mà ngón tay của bạn tác động lên là lớn hay nhỏ, bút cảm ứng điện dung cũng không có độ nhạy lực như các loại bút sẽ nói ở phần dưới. Do đó, nếu bạn có ý định sáng tạo nên các bức vẽ chuyên nghiệp trên tablet, bạn không nên tìm đến loại bút này.


- Không nhận diện để từ chối tác động từ lòng bàn tay: Nếu vô tình để lòng bàn tay chạm vào màn hình trong quá trình dùng bút, màn hình sẽ không phân biệt và vẫn nhận diện động tác từ tay của bạn.


- Không có các chức năng phụ: Ví dụ như chức năng tẩy đi các nét vẽ.


Bút dùng bộ số hóa Wacom


Ảnh

Bút Surface Pro Pen



Wacom chuyên sản xuất các loại bàn vẽ tablet cho giới họa sĩ, tuy nhiên, công nghệ của họ cũng được áp dụng cho các sản phẩm dành cho thị trường phổ thông. Surface Pro của Microsoft là một ví dụ. Chiếc tablet lai laptop này sử dụng một lớp số hóa do Wacom sản xuất bên trong màn hình cảm ứng, và được đi kèm một bút cảm ứng để dùng với lớp số hóa này. Điện thoại Galaxy Note và bút S Pen của Samsung cũng dùng công nghệ của Wacom.


Bằng cách tích hợp một cảm biến đặc biệt vào trong màn hình cảm ứng và thiết kế 1 chiếc bút stylus để tối ưu cho cảm biến, bộ số hóa của Wacom giúp cung cấp thêm rất nhiều tính năng mà một chiếc bút cảm ứng điện dung ở trên không làm được, ví dụ như độ nhạy lực. Tuy nhiên, số độ nhạy mà bút có thể nhận diện sẽ tùy thuộc vào từng thiết bị và bạn cần tìm hiểu điều này trước khi mua sản phẩm.


Điểm mạnh:


- Nhạy lực: Đây là tính năng quan trọng nhất mà lớp số hóa của Wacom mang lại. Bút Wacom có thể nhận diện được các mức độ nhấn mạnh hay nhẹ khác nhau. Bút cảm ứng của Surface Pro được quảng cáo là có 1024 mức lực nhấn. Ở đây, màn hình không làm nhiệm vụ nhận diện lực nhấn, mà nó được đảm nhiệm bởi đầu bút. Đầu bút sẽ thu lại khi bạn tạo ra một lực mạnh lên màn hình, và lớp số hóa Wacom bên trong màn hình sẽ hiểu được sự thay đổi này của đầu bút.


- Từ chối tác động từ lòng bàn tay: Điều này rất quan trọng nếu bạn dùng bút để vẽ, bởi bạn có thể đặt tay lên màn hình trong quá trình thực hiện tác phẩm mà không sợ làm sai lệch các nét vẽ do tác động của tay.


- Các tính năng phụ: Cục tẩy là một ví dụ. Ở một đầu của bút cảm ứng dùng trên Surface có một cục tẩy giúp bạn xóa đi các nét vẽ sai. Hay trên bút sẽ có 1 nút bấm giúp bạn thực hiện thao tác click phải bằng cách giữ nút này rồi gõ vào màn hình. Lớp số hóa Wacom cũng nhận diện được động tác rê bút bên màn hình.


- Không cần pin: Bạn cũng không cần phải lo sạc pin cho bút.


Điểm yếu:


- Hỗ trợ ít thiết bị: Bạn không thể dùng các loại bút này cho mọi loại thiết bị.


- Chi phí: Bộ số hóa Wacom là một phần cứng chuyên biệt và thường chỉ được trang bị trên các sản phẩm cao cấp như Surface Pro hay Galaxy Note. Nhà sản xuất sẽ phải bỏ thêm chi phí để trang bị phần cứng này và nó làm cho giá sản phẩm thường đắt hơn.


- Yêu cầu phải có ứng dụng hỗ trợ: Các ứng dụng phải được lập trình trước mới có thể sử dụng công nghệ, tính năng của Wacom. Ví dụ như bạn không thể tận dụng tính năng nhạy lực trên ứng dụng Microsoft Paint.


Bút cảm ứng Bluetooth


Ảnh

Bút Intuos Creative Stylus của Wacom



Ngoài 2 loại bút với những ưu nhược điểm riêng nói trên, chúng ta còn có thêm loại bút cảm ứng thứ 3 có thể giao tiếp với các mẫu tablet thông qua kết nối Bluetooth. Theo mặc định, loại bút này có chức năng như bút cảm ứng điện dung thông thường (loại đầu tiên). Khi sử dụng, màn hình có thể nhận diện được vị trí mà bút tác động vào, tuy nhiên, nó sẽ không hiểu được các mức độ nhấn mạnh nhẹ khác nhau, hay nói cách khác màn hình không có khả năng nhận diện lực nhấn như loại màn hình được tích hợp phần cứng của Wacom. Việc nhận diện lực nhấn sẽ do chính chiếc bút đảm nhận, sau đó truyền thông tin này qua kết nối Bluetooth để thiết bị hiểu.


Bản thân Wacom hiện nay cũng cung cấp bút cảm ứng dạng này cho iPad, với chiếc Intuos Creative Stylus có giá bán 99 USD. Intuos Creative Stylus có 2048 độ nhạy lực và kết nối với iPad qua Bluetooth năng lượng thấp giúp thời lượng pin của nó cũng khá tốt.


Điểm mạnh:


- Nhận diện lực nhấn: giống như lớp số hóa của Wacom, loại bút này cũng có thể nhận diện các lực nhấn mạnh nhẹ khác nhau.


- Từ chối tác động của lòng bàn tay: Các bút cảm ứng Bluetooth cũng có thể từ chối tác động của lòng bàn tay.


- Tương thích với nhiều thiết bị hơn: Chúng hoạt động với cả các tablet không được trang bị cảm biến nhận diện lực nhấn như iPad; nhưng vẫn cho khả năng nhạy lực khi sử dụng.


- Nút bấm tắt (giống như phím tắt trên bàn phím): Bút có thể gửi đi một tín hiệu nào đó qua Bluetooth khi bạn thao tác vào nút bấm có trên bút.


Điểm yếu:


- Phải yêu cầu pin: Do phải kết nối qua Bluetooth, bạn sẽ phải sạc pin để cung cấp năng lượng cho bút, chưa kể đến việc phải thay pin sau một thời gian sử dụng.


- Phải kết nối: Không thể dùng ngay được như 2 loại ở trên, bạn buộc phải thực hiện thao tác kết nối bút với thiết bị. Dẫu sao thao tác này cũng không phải quá bất tiện bởi bạn chỉ cần kết nối 1 lần.


- Ứng dụng phải được lập trình để hỗ trợ bút.


- Giá đắt


Theo Genk/How to Geek



TP HCM: Hơn 3,7 tỉ đồng cho 39 đề tài nghiên cứu khoa học

TP HCM: Hơn 3,7 tỉ đồng cho 39 đề tài nghiên cứu khoa học

Chiều 30/12, thông tin từ Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP HCM) cho biết đã chọn được 39 đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất năm 2013 để tham gia vào Chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ lần thứ XVIII năm 2014.



Mỗi đề tài sẽ được hỗ trợ kinh phí 95 triệu đồng. Tổng số tiền hơn 3,7 tỉ đồng để thực hiện những đề tài này sẽ do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM chịu trách nhiệm đầu tư.


Được biết Chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ do Thành đoàn TP HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức nhằm phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong giới trẻ. Đồng thời tìm ra các mô hình phục vụ quá trình xây dựng, phát triển của thành phố và đất nước.


Theo Pháp Luật TP HCM



Samsung công bố chip DRAM 8 Gb LPDDR4 đầu tiên thế giới

Samsung công bố chip DRAM 8 Gb LPDDR4 đầu tiên thế giới

Samsung vừa công bố phát triển thành công chip nhớ DRAM 8 Gb LPDDR4 đầu tiên, cung cấp mật độ nhớ dày đặc bơn, nhanh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn so với các sản phẩm hiện tại.




Trước Samsung, SK Hynix cũng đã từng công bố chip nhớ 8 Gb trong tháng Sáu, tuy nhiên công ty chỉ sử dụng công nghệ LPDDR3, trong khi chip của Samsung sử dụng công nghệ LPDDR4 nhanh hơn.



Chip nhớ mới của Samsung được phát triển dựa trên quy trình công nghệ 20 nm, cho phép nhà sản xuất tạo ra 1 GB RAM trên cùng một khuôn (8 Gb = 1 GB). Bằng cách kết hợp 4 chip như vậy, các nhà sản xuất thiết bị có thể trang bị cho sản phẩm của họ bộ nhớ RAM lên đến 4 GB trong tương lai không xa.


Mục tiêu của chip mới là các smartphone cao cấp, tablet và laptop có khả năng hiển thị ở mật độ điểm ảnh cao trong tương lai. Smartphone WQHD (2560 x 1440 pixel) dự kiến sẽ xuất hiện trên các cửa hàng vào nửa đầu tiên của năm 2014, trong đó bao gồm cả Samsung Galaxy S5 như các tin đồn. Ngoài mục đích hỗ trợ độ phân giải cao, bộ nhớ RAM lớn sẽ giúp các ứng dụng chạy mượt mà hơn cũng như tăng bộ nhớ đệm cho hệ thống, giúp tăng tốc độ hoạt động cũng như giảm mức tiêu thụ pin.


Nhờ kích thước nhỏ hơn của mạch và sử dụng công nghệ LPDDR4, chip này cũng nhanh hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn so với LPDDR3. Samsung tuyên bố chip nhớ mới cung cấp hiệu suất làm việc cao hơn 50% so với LPDDR3 nhanh nhất, trong khi lượng điện năng tiêu thụ thấp hơn khoảng 40%, xuống chỉ còn 1,1 volt. Tốc độ truyền dữ liệu trên cũng đạt 3200 Mbps, nhanh gấp đôi so với tốc độ chip LPDDR3 hiện đang được sản xuất.


Samsung cho biết, chip mới sẽ có trong các sản phẩm vào năm 2014. Hiện nay chỉ một số ít thiết bị của Samsung, bao gồm cả Galaxy Note 3, được trang bị RAM 3 GB, nhưng với sự hỗ trợ của VXL 64 bit mà nhiều công ty đang hướng đến trong năm 2014, nhu cầu về mô-đun bộ nhớ kích thước lớn sẽ được quan tâm hơn. Do đó, khả năng hỗ trợ RAM lên đến 4 GB của Galaxy S5 như những tin đồn gần đây hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, tuy nhiên RAM 3 GB có khả năng cao hơn.


Theo Androidauthority



iPhone 5c đã được bán “miễn phí”

iPhone 5c đã được bán “miễn phí”

Nhằm khuyến khích người dùng mua sản phẩm iPhone 5c của Apple, chuỗi bán lẻ Best Buy (Mỹ) vừa đưa ra thông báo "biếu không" mẫu máy này khi người dùng đặt mua kèm theo gói hợp đồng 2 năm với nhà mạng.


Ảnh

iPhone 5c hiện đã được bán với giá "miễn phí" - Ảnh: AFP.



Theo Neowin hôm 29/12, đây được xem là một phương thức kích cầu nhu cầu mua sắm của người dùng, trước việc mẫu iPhone 5C có doanh số bán ra không đạt được như kì vọng.


Phiên bản iPhone 5c được "miễn phí" là bản có bộ nhớ trong 16 GB (màu sắc cho người dùng lựa chọn tùy thích), kèm theo gói hợp đồng 2 năm với các nhà mạng AT&T, Verizon hoặc Sprint.


Được biết, lúc mới công bố ra thị trường vào tháng 9 vừa qua thì mẫu iPhone 5c được chào bán với giá 100 USD kèm theo hợp đồng 2 năm với nhà mạng.


Được biết, điểm nổi bật nhất của chiếc iPhone 5c là có nhiều màu sắc lựa chọn, lớp vỏ được làm từ chất liệu nhựa polycarbonate, với lớp kim loại ở mặt trong có vai trò hoạt động như ăng-ten bắt sóng cho máy. Về cấu hình cơ bản, iPhone 5c giống với chiếc iPhone 5.


Theo Thanh Niên



Sắp có chính sách quản lí dịch vụ OTT

Sắp có chính sách quản lí dịch vụ OTT

Việt Nam không cấm các doanh nghiệp OTT (Over-the-top) hoạt động, nhưng chính sách quản lí sẽ yêu cầu họ phải có trách nhiệm đối với nhà mạng.



Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son vừa yêu cầu Cục Viễn thông phải xây dựng xong chính sách quản lí các ứng dụng và doanh nghiệp OTT trong 6 tháng đầu năm 2014, theo hướng yêu cầu những doanh nghiệp, ứng dụng này hoạt động một cách có "trách nhiệm" đối với nhà mạng, đảm bảo các bên đều phải có lợi. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Viễn thông trong năm tới nhằm xây dựng, tổ chức thị trường viễn thông phát triển bền vững, Bộ trưởng Son khẳng định.


Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là phải đảm bảo rằng những chính sách này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dùng dịch vụ.


Thời gian qua, các ứng dụng OTT như Viber, WhatsApp, Line, Kakao Talk, Zalo... đã nhanh chóng xuất hiện và trở nên phổ biến nhờ những lợi ích rõ rệt cho người dùng như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Tuy nhiên, sự nổi lên chóng mặt của các ứng dụng OTT cũng chính là nỗi lo sợ của các nhà mạng, bởi họ cho rằng OTT sẽ ăn lẹm vào doanh thu nhắn tin SMS và đàm thoại qua mạng di động. Một số nhà mạng như Viettel thậm chí đã từng kêu gọi Bộ TT&TT cấm hoàn toàn các ứng dụng OTT tại Việt Nam.


Tuy nhiên, quản lí OTT như thế nào thì vẫn chưa có một quy chuẩn ứng xử thống nhất trên phạm vi toàn thế giới. Trong khi Ả rập và một số nước châu Âu cấm cửa OTT thì Mỹ lại thả nổi không quản lí, Hàn Quốc và Nhật Bản lại có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp OTT vươn ra quốc tế... Trong khi chờ đợi sự cứu giúp từ phía chính sách, một số nhà mạng quốc tế đã chủ động bắt tay cùng các ứng dụng OTT để xây dựng những gói cước OTT chuyên biệt.


Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) công bố tại Ngày Internet Việt Nam 4/12, tỉ lệ sử dụng các dịch vụ OTT qua smartphone tại Việt Nam đang tăng dần từ 24,7% trong năm 2012 lên 33,8% vào năm 2013; dự kiến 3 năm 2014 - 2015 - 2016 sẽ tiếp tục đạt được các mức 41% - 44,2% - 45,5%.


Theo Vietnamnet



ZTE Nubia Z5S và Nubia Z5S Mini chính thức lên kệ từ 27/12

ZTE Nubia Z5S và Nubia Z5S Mini chính thức lên kệ từ 27/12

Smartphone cao cấp mới nhất của ZTE, Nubia Z5S và Nubia Z5S Mini, sẽ bắt đầu "lên kệ" tại Trung Quốc từ ngày 27/12. JD, một trong những cửa hàng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, sẽ bắt đầu bán hai thiết bị cầm tay này lúc 10:00 giờ, theo giờ địa phương.



Các nhà bán lẻ sẽ bán Nubia Z5S 16 GB với giá 330 USD, trong khi Nubia Z5S Mini 16 GB sẽ được bán với giá 246 USD. Mặc dù giá thấp, nhưng cả hai thiết bị cầm tay này vẫn có thông số kĩ thuật không hề thấp, cho nên đã có 2,5 triệu khách hàng đặt hàng trước.


Nubia Z5S sở hữu màn hình Sharp IGZO 5 inch, độ phân giải 1080 x 1920 pixel, chạy trên nền tảng Android 4.2.2 Jelly Bean và được trang bị máy ảnh phía sau 13 Mpx với tính năng ổn định hình ảnh quang học và quay video 4K, camera phía trước 5 Mpx, RAM 2 GB, VXL lõi tứ Snapdragon 800, tốc độ 2,3 GHz và một pin 2300 mAh.


Nubia Z5S Mini có màn hình 4,7 inch với độ phân giải 720 x 1280 pixel,chạy Android 4.2.2, VXL lõi kép Snapdragon 600 tốc độ 1,7 GHz,RAM 2 GB, máy ảnh phía sau 13 Mpx nhưng không có OIS, camera 5 Mpx ở phía trước.



ZTE vẫn chưa tiết lộ về việc có phát hành phiên bản quốc tế của Nubia Z5S và Z5S Mini hay không? Tuy nhiên, không giống như các công ty khác của Trung Quốc, chỉ bán smartphone trong nước, ZTE đã có một thiết bị được bán trên toàn cầu. Hi vọng rằng những thiết bị mới này cũng sẽ được bán nhiều thị trường khác trong tương lai.


Theo PhoneArena



Lộ diện phiên bản quốc tế của Sony Xperia Z1F

Lộ diện phiên bản quốc tế của Sony Xperia Z1F

Hình ảnh được cho là mặt sau phiên bản quốc tế của Xperia Z1f vừa được đăng tải, cùng với đó là thông số kĩ thuật hoàn toàn tương tự phiên bản gốc của nó.



Xperia Z1f là phiên bản rút gọn (được hiểu như là phiên bản mini) của Xperia Z1. Tin đồn cho biết, phiên bản quốc tế của Xperia Z1f được trang bị VXL lõi tứ Qualcomm Snapdragon, RAM 2 GB, máy ảnh 20,7 Mpx, màn hình 4,3 inch độ phân giải 1280 x 720 pixel và pin dung lượng 2300 mAh.


Tại thị trường Nhật Bản, Xperia Z1f gây rất nhiều sự chú ý và đang được so sánh với iPhone 5s của Apple. Trang Sony Trung Quốc cũng úp mở về sự kiện diễn ra vào ngày 3/1 trong việc ra mắt phiên bản quốc tế của Xperia Z1f. Và sản phẩm rất có thể được Sony giới thiệu tại CES 2013, cùng với thiết bị cầm tay mang tên Xperia Z1S, phiên bản mới của Xperia Z1 với một vài thay đổi.


Theo Phone Arena



Chip 8 nhân LG Odin lộ thông số benchmark trên AnTuTu

Chip 8 nhân LG Odin lộ thông số benchmark trên AnTuTu

Chip 8 nhân của riêng LG với tên mã Odin như những tin đồn gần đây dường như sắp trở thành sự thật khi mới đây con chip này vừa lộ thông tin benchmark trên website của AnTuTu.



Theo những thông tin được tiết lộ thì nhiều khả năng LG sẽ trang bị Odin cho chiếc điện thoại LG L3 chuẩn bị được ra mắt trong thời gian sắp tới. Sức mạnh của Odin sẽ tương tương vớ chip Samsung Exynos 5410 được Samsung tích hợp vào Galaxy S4. Tuy nhiên cũng phải lưu ý thêm rằng Odin sử dụng sử dụng kiến ​​trúc big.LITTLE của ARM nên chỉ cho phép hoạt động tối đa 4 nhân vào cùng một thời điểm. Điều này có nghĩa là Odin sẽ không có khả năng hoạt động một lúc 8 nhân giống như MT6592 từ MediaTek. Trong 8 nhân của Odin, một nhóm 4 nhân chuyên phụ trách các tác vụ nặng, còn 4 nhân còn lại sẽ hỗ trợ xử lí cá tác vụ nhẹ ít đòi hỏi tài nguyên của máy.



Kết quả thử nghiệm cho thấy LG Odin hoạt động với xung nhịp khá thấp chỉ khoảng từ 100 MHz đến 1 GHz. Tuy nhiên khi so sánh về sức mạnh đồ họa với chip Snapdragon 800 đang được sử dụng trên LG L2 thì Odin vẫn còn có điểm thua kém nhất định. Không những vậy Odin cũng kém hơn Exynos 5420 (dùng trong Note 3) và cả Tegra 4. Dù sao đây mới chỉ là bản thử nghiệm và LG có thể còn nhiều cải tiến trước khi tung ra sản phẩm chính thức.



Bên cạnh đó, thông số AnTuTu cũng chỉ ra rằng Odin sẽ được tích hợp nhân đồ họa Power VR Series 6 (mã Rogue Hood) tương tự Power VR G6430 trong iPhone 5s. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy Odin sẽ hỗ trợ thiết bị có màn hình Full HD 1920 x 1080, RAM 2 GB, bộ nhớ trong 4 GB và chạy Android 4.2.2.


Theo GSMArena, PhoneArena



Samsung chính thức ra mắt UltraHD TV 110 inch giá 152.000 USD

Samsung chính thức ra mắt UltraHD TV 110 inch giá 152.000 USD

Sau gần 1 năm kể từ ngày tiết lộ đầu tiên tại CES 2013, Samsung cuối cùng cũng đã cho ra mắt mẫu UltraHD TV với kích thước màn hình lên đến 110 inch của mình.



Theo Samsung, chiếc màn hình UltraHD TV (4K) với kích thước 110 inch này sẽ được bán với giá vào khoảng 152.000 USD tại Hàn Quốc. Ngoài thị trường Hàn Quốc, sản phẩm có kích thước chiều rộng 2,6 mét và chiều cao 1,8 mét này cũng sẽ được bán tại Trung Quốc, Trung Đông cũng như châu Âu, tuy nhiên thông tin giá bán áp dụng cho các thị trường này vẫn chưa được Samsung xác nhận.


Mục tiêu của Samsung trong việc cung cấp các TV màn hình lớn này chính là các cơ quan lớn của chính phủ và các tổ chức tương tự vốn có xu hướng sử dụng màn hình lớn trong các cuộc hội nghị truyền hình.


Với việc chính thức cung cấp mẫu TV màn hình lớn này khi CES diễn ra ở Las Vegas trong vòng 1 tuần nữa, người dùng kì vọng một thế hệ hoàn toàn mới của chiếc UltraHD TV từ Samsung sẽ được tiết lộ ra tại đây.


Theo ABCNews



Hơn 1,7 tỉ cuộc tấn công mạng trong năm 2013

Hơn 1,7 tỉ cuộc tấn công mạng trong năm 2013

Năm 2013 đã xảy ra hơn 1,7 tỉ cuộc tấn công mạng trên toàn thế giới, và xu hướng trong tương lai sẽ là các cuộc tấn công di động.



Di động là một lĩnh vực CNTT đang phát triển rất nhanh. Năm 2013, vấn đề an ninh xung quanh thiết bị di động đã đạt đến một cấp độ mới về sự gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu năm 2011 là năm phần mềm độc hại cho di động bắt đầu tạo được sức hút đối với tin tặc thì năm 2013, các phần mềm độc hại này đã trở nên hoàn thiện và tinh vi hơn.


Những mối đe dọa di động


Obad có lẽ là phát hiện đáng chú ý nhất trong lĩnh vực di động, đang được phân tán bởi nhiều phương pháp, trong đó có một botnet được thiết lập sẵn. Smartphone Android nếu bị lây nhiễm Trojan-SMS.AndroidOS.Opfake.a thì sẽ biến thành một nơi nhân bản, nó gửi các tin nhắn văn bản có chứa liên kết độc hại đến tất cả số điện thoại có trong danh bạ..


Các botnet di động mang đến một lợi thế đáng kể so với những botnet truyền thống: smartphone hiếm khi bị tắt nguồn, hầu hết các truy cập luôn sẵn sàng và chỉ đợi lệnh tấn công. Tác vụ thông thường mà các botnet thực hiện bao gồm gửi thư rác hàng loạt, tấn công DDoS và lấy cắp thông tin cá nhân, tất cả hoạt động này không đòi hỏi hiệu suất và được thực hiện dễ dàng trên smartphone.


Các ứng dụng có lỗ hổng bị khai thác bởi tin tặc


Theo Kaspersky Lab, 90,52% nỗ lực khai thác lỗ hổng được phát hiện nhắm tới mục tiêu số một là Oracle Java. Vị trí thứ hai thuộc về thành phần Windows, bao gồm các tập tin hệ điều hành Windows có lỗ hổng, không xét tới Internet Explorer và Microsoft Office. Hầu hết các cuộc tấn công trên Windows đều nhắm tới mục tiêu là một lỗ hổng được phát hiện trong win32k.sys.


Ảnh

Một số ứng dụng có lỗ hổng bị khai thác bởi tin tặc. Ảnh: Kaspersky Lab.



Vị trí thứ ba là các lỗ hổng trên Android. Tội phạm mạng hoặc chính bản thân người dùng sử dụng các lỗ hổng trên Android để đạt được quyền điều khiển thiết bị (root). Gần đây, đã có thông tin trình duyệt Chrome cho Nexus 4 và Samsung Galaxy S4 có một lỗ hổng và có thể bị khai khác trong tương lai.


Các mối đe dọa trực tuyến


Số lượng các cuộc tấn công trực tuyến trên toàn thế giới tăng từ 1.595.587.670 trong năm 2012 lên 1.700.870.654 trong năm 2013.


So với năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của các cuộc tấn công dựa trên trình duyệt đã giảm. Số lượng các cuộc tấn công dạng này được vô hiệu hóa trong năm 2013 tăng 1,07 lần so với năm 2012, trong khi năm 2012 con số tương ứng là 1,7. Công cụ chính đằng sau các cuộc tấn công dựa trên trình duyệt vẫn là các gói cập nhật chứa lỗ hổng, mang đến cho tội phạm mạng cơ hội lây nhiễm mã độc vào máy tính của nạn nhân khá dễ dàng.


Để thực hiện được 1.700.870.654 cuộc tấn công trên internet, tội phạm mạng đã sử dụng 10.604.273 máy chủ đơn nhất, nhiều hơn 4 triệu máy so với năm 2012. Năm 2013 có một sự thay đổi nhỏ trong bảng xếp hạng 10 quốc gia phát tán phần mềm độc hại hàng đầu so với năm 2012, trong đó Mỹ đứng đầu, còn Việt Nam xuất hiện ở vị trí thứ 8.


Ảnh

Xếp hạng những quốc gia chiếm tỉ lệ lớn nhất trong việc phát tán mã độc. Ảnh: Kaspersky Lab.



Dự đoán năm 2014


Alexander Gostev, Trưởng bộ phận Bảo mật, đội Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu, Kaspersky Lab, nhận xét: "Internet đã bắt đầu phá vỡ thành các đoạn quốc gia. Vụ rò rỉ của Snowden đã tăng cường nhu cầu đối với quy định cấm sử dụng các dịch vụ nước ngoài. Bước tiếp theo rất có thể sẽ là nỗ lực hạn chế truy cập vào dữ liệu nước ngoài ở các quốc gia. Khi xu hướng này phát triển hơn nữa có thể dẫn đến sự sụp đổ của internet hiện nay, phá vỡ thành hàng chục mạng lưới khác nhau".


Một số quốc gia đã áp dụng hoặc đang có kế hoạch áp dụng luật cấm sử dụng các dịch vụ của nước ngoài. Trong tháng 11, Đức thông báo rằng, tất cả các thông tin liên lạc giữa các nhà chức trách Đức sẽ bị khóa hoàn toàn trong nước. Brazil đã công bố kế hoạch xây dựng một kênh internet thay thế để không sử dụng đường truyền có đi qua Florida (Mỹ).


Theo Khám Phá



Asus và Apple dẫn đầu thị trường MTB Nhật Bản

Asus và Apple dẫn đầu thị trường MTB Nhật Bản

Một báo cáo được công bố vào hôm nay (30/12) cho thấy Asus và Apple vẫn đang là 2 NSX chiếm giữ vị trí hàng đầu trong doanh số bán MTB tại Nhật Bản. HĐH Android và iOS là nền tảng phổ biến nhất trên MTB tại Nhật với 94,4% từ tháng 1 - 10/2013.



Trong khi đó, HĐH Windows chia sẻ 5% thị trường MTB ở Nhật Bản và dự kiến sẽ tăng lên trong năm tới và MTB 8 inch chạy Windows góp phần cao nhất trong sự gia tăng nhu cầu sử dụng Windows. Đây cũng chính là lý do tại sao một số nhà nghiên cứu hy vọng HĐH này sẽ chiếm thêm thị phần tại đây.


Toshiba hiện là nhà cung cấp MTB chạy Windows đầu tiên ở Nhật Bản. Hãng này vừa cho ra mắt MTB Dynabook Tab VT484 vào tháng 11/2013 tại thị trường này. Tuy nhiên, MTB 8 inch của Toshiba cũng đang vướng phải sự cạnh tranh đáng kể từ iPad mini và iPad mini màn hình Retina của Apple. Cả hai thiết bị này đều được trang bị màn hình 7,9 inch.


Theo PhoneArena



Không nhận được iPhone dịp Giáng sinh, “nghịch tử” cầm dao “rượt” cha và anh trai

Không nhận được iPhone dịp Giáng sinh, “nghịch tử” cầm dao “rượt” cha và anh trai

iPhone một lần nữa trở thành nguyên nhân "bất đắc dĩ" khiến "fan cuồng" hành động điên rồ, lần này là sự việc bất chấp cả tình phụ tử.


Ảnh

Hung khí gây án của Torres



Theo trang tin Digital Trends dẫn nguồn The Enterprise, một thanh niên 18 tuổi có tên Alexander Torres sống tại Brockton, bang Massachusetts, Mỹ đã sử dụng một con dao gấp bỏ túi để tấn công cha và anh trai mình. Nguyên nhân ban đầu được cảnh sát cho biết là do anh này không được bố mình tặng iPhone dịp Giáng sinh.


Torres đã bị cảnh sát khống chế ngay sau đó. Ông bố không bị hề hấn gì trong khi ông anh trai 24 tuổi đã phải vào một trạm y tế tại địa phương để điều trị chấn thương.


Theo lời ông bố này kể lại, ông đã đặt mua cho con mình một chiếc iPhone, tuy nhiên do sự chậm trễ của bên cung cấp (do đơn hàng quá nhiều) nên đã dẫn tới sự việc đáng tiếc này. Theo NBC News, cả UPS và Fedex - 2 công ty giao hàng - đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc.


Theo Digital Trends



NPD: Doanh số TV 4K sẽ tăng trưởng mạnh

NPD: Doanh số TV 4K sẽ tăng trưởng mạnh

Trong năm 2013 chỉ có 1,9 triệu người mua TV 4K, nhưng theo dự đoán của hãng nghiên cứu NPD thì cuộc cách mạng 4K sẽ thật sự bùng nổ trong vài năm tới.


Ảnh

TV 4K sẽ là lựa chọn của nhiều người dùng trong tương lai



Công nghệ tiêu dùng tiên tiến này vẫn chưa có mặt ở phòng khách của mọi gia đình chủ yếu do giá thành còn quá cao và nguồn nội dung chưa phổ biến. Tên gọi 4K dùng để đề cập đến công nghệ màn hình có độ phân giải 4096 x 2160 pixel, cao hơn nhiều so với chuẩn HD 1280 x 720 pixel và gấp 4 lần chuẩn Full HD 1920 x 1080 pixel. Tuy nhiên, trong các sản phẩm gia đình, chuẩn 4K hiện nay thực sự có độ phân giải thấp hơn và chỉ đạt mức 3840 x 2160 pixel, về mặt kĩ thuật còn được gọi là Ultra HD (UHD).


Để tận dụng lợi ích đầy đủ của một màn hình 4K hay UHD, bạn cần phải có nguồn nội dung 4K mặc định. Cho đến giờ thì nguồn nội dung này trên thị trường chưa thực sự có nhiều. Một số nguồn video YouTube đã có nội dung 4K và một số dịch vụ trực tuyến cũng đã cung cấp nội dung này. Cả hai hãng Netflix và Amazon Studios đã công bố kế hoạch trình chiếu một số phim sử dụng máy quay 4K trong tương lai, riêng Netflix cho biết sẽ truyền trực tuyến nội dung 4K ngay trong năm sau.


Các mẫu TV 4K UHD thương mại hiện nay có giá thành rất đắt, khoảng từ 5000 USD trở lên. Tuy nhiên, NPD cho rằng mức giá này dự kiến sẽ giảm nhanh khi lượng nội dung 4K ngày càng phổ biến. Giá trung bình của TV 4K được dự báo sẽ giảm chỉ còn khoảng 2000 USD tại thị trường Bắc Mỹ vào năm 2014, trong khi tại thị trường Trung Quốc sẽ chỉ còn khoảng 1000 USD.


Với mức giá như vậy, TV 4K sẽ ngày càng hấp dẫn người dùng hơn so với hiện nay. Ngoài ra, lợi ích rõ ràng nhất của TV 4K là khả năng nâng cấp trình chiếu video độ phân giải thấp và nội suy thêm chi tiết để có mang đến cho người dùng những thước phim độ phân giải siêu nét.


NPD dự đoán rằng, cho đến cuối năm 2013 thì số lượng TV 4K xuất xưởng trên thị trường toàn cầu đã đạt xấp xỉ 1,9 triệu máy. Trong năm 2014, con số này dự kiến sẽ tăng mạnh đến 12,7 triệu máy. Số lượng xuất xưởng theo NPD không phải nhất thiết bằng doanh số sản phẩm bán ra, nhưng đó cũng là một thước đo chính xác về nhu cầu mà các nhà phân tích lẫn các hãng sản xuất dùng để dự đoán cho những năm sắp tới.


Theo chuyên gia phân tích Paul Gagnon của NPD, các hãng sản xuất tấm nền màn hình có nguồn dữ liệu dự báo khả quan hơn về tương lai của TV 4K, theo đó thì những hãng này sẽ sản xuất khoảng 27 triệu màn hình 4K trong năm 2014.


NPD cũng cho hay, hầu hết nguồn cung chủ yếu của TV 4K sẽ là từ người dùng tại thị trường Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 87% lượng tiêu thụ TV 4K toàn cầu trong năm 2013. NPD dự đoán trong năm 2014 doanh số tại nước này sẽ đạt chỉ còn 78% vì người dùng tại các nước khác trên thế giới đã bắt đầu mua sắm TV 4K. Nhưng đến năm 2016, Trung Quốc dự kiến sẽ có số lượng TV 4K cao hơn nhiều so với các nước còn lại trên thế giới.


Theo VnExpress



Tăng cước 3G và bùng nổ OTT đứng đầu 10 sự kiện ICT 2013

Tăng cước 3G và bùng nổ OTT đứng đầu 10 sự kiện ICT 2013

Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa OTT nội Zalo và các đối thủ sừng sỏ nước ngoài làm tốn nhiều giấy mực của báo giới, trong khi việc tăng cước 3G đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ.


Dưới đây là 10 sự kiện công nghệ thông tin, truyền thông nổi bật nhất tại Việt Nam trong năm qua, theo bầu chọn của các nhà báo chuyên trách về lĩnh vực này.


1. Nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G



Ngày 16/10/2013, VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G. Bộ TT&TT xác nhận đây là lần điều chỉnh cước có gói cước tăng, có gói cước giảm và có gói cước giữ nguyên nhưng tính tổng thể thì cước 3G sẽ tăng khoảng 20%. Các mạng di động cho rằng lí do mà họ đề xuất tăng cước 3G là do dịch vụ này đang bán dưới giá thành quá nhiều. Vì vậy, nếu không tăng cước 3G thì nhà mạng sẽ bị lỗ và rất khó khăn trong việc đầu tư mở rộng mạng 3G cũng như đảm bảo chất lượng của dịch vụ này. Theo thống kê của Bộ TT&TT ngay cả sau khi đã tăng 20% thì cước 3G của Việt Nam vẫn chỉ bằng 19,4 % so với cước 3G trung bình của các nước và mới chỉ bằng khoảng 50% so với giá thành dịch vụ.


Tuy nhiên, việc tăng cước 3G này đã khiến nhiều khách hàng tỏ ra bất bình bởi đây đang là thời điểm kinh tế khó khăn và có một số gói cước bị tăng quá cao lên đến trên 200%. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ 3G khiến nhiều khách hàng phiền lòng. Thậm chí một số khách hàng đã phản ứng bằng cách hủy dịch vụ này sau khi nhà mạng tăng cước 3G. Giới truyền thông cũng đặt ra nghi vấn có hay không khả năng nhà mạng bắt tay tăng cước 3G. Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lí cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc, nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lí theo đúng quy định của pháp luật


2. Bùng nổ thị trường OTT



Năm 2013 chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có của các ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí (OTT) với hàng chục triệu người Việt đăng kí sử dụng. Bên cạnh phần mềm gọi điện Viber đến từ Israel đang chiếm vị trí dẫn đầu với 8 triệu người dùng, là sản phẩm nhắn tin Zalo của Việt Nam đang bám đuổi rất sát với hơn 7 triệu người dùng (Zalo là 1 điểm sáng nổi bật của ngành công nghệ trong nước vốn rất ít sản phẩm có thể cạnh tranh được với các ứng dụng quốc tế). Line (Nhật Bản) đứng thứ 3 với 4 triệu, còn Kakao Talk – OTT đến từ Hàn Quốc chấp nhận rời cuộc chơi. Zalo là một điểm sáng nổi bật của ngành công nghệ trong nước vốn rất ít các sản phẩm có thể cạnh tranh với những sản phẩm quốc tế.


Trong khi đó, các mạng di động lại than phiền doanh thu của họ bị giảm cả nghìn tỉ đồng do người dùng sử dụng OTT thay thế cho gọi điện và SMS truyền thống. Lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định, OTT là xu hướng công nghệ mới của thế giới, đem lại lợi ích lớn cho người dùng nên không thể ngăn cản sự phát triển. Cơ quan quản lí đưa ra định hướng là phải có sự hợp tác giữa nhà mạng và OTT để đem lại lợi ích lớn hơn cho người dùng; nhưng tới tận cuối năm, câu chuyện chưa có lời giải rõ ràng.


3. Chính phủ ban hành Nghị định số 72 về quản lí thông tin trên mạng



Kể từ 1/9/2013, Nghị định số 72 Chính phủ về việc quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực. Theo Bộ TT&TT, văn bản này tạo hành lang minh bạch cho sự phát triển Internet tại Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển của các loại hình thông tin mới bên cạnh các phương thức truyền thống, phù hợp với thực tế phát triển Internet tại Việt Nam.


Trong khi đó, nhiều cư dân mạng lại cho rằng, văn bản này là sự ngăn cấm hoạt động tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cũng như việc tổng hợp tin tức. Phía cơ quan quản lí khẳng định, Nghị định 72 không có ý nào cấm người dùng mạng xã hội tìm kiếm, chia sẻ tin tức. Thêm vào đó, văn bản này còn có các thông tin liên quan đến vấn đề bản quyền với các trang tin: các trang tin không được tùy tiện đăng tải, trích dẫn, tổng hợp thông tin từ các nguồn chính thống mà không được sự đồng ý của người sở hữu; trang tin tổng hợp theo mô hình nào phải chịu sự quản lí tương ứng...


Một trong những nội dung quan trọng khác của Nghị định số 72 là cấp phép trở lại cho game online kể từ 1/9/2013. Trước đó, cơ quan quản lí đã có văn bản tạm ngừng cấp phép game mới trong 3 năm.


4. Hàng loạt tờ báo điện tử lớn bị tấn công DDoS



Từ đầu tháng 7/2013, một đợt tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) quy mô rất lớn đã nhằm vào website của các báo điện tử VietnamNet, Dân Trí, Tuổi Trẻ Online… Mức độ tấn công DDoS mạnh hơn cả những cuộc tấn công trước đây nhằm vào báo VietnamNet trong các năm 2010 và 2011.


Website Tuổi Trẻ Online hầu như tê liệt ngay từ đợt tấn công đầu tiên. VietnamNet và Dân Trí dù đã huy động nhiều biện pháp chặn lọc, mở rộng hạ tầng, băng thông kết nối tới các ISP, đã phần nào chống đỡ được cuộc tấn công, không bị tê liệt nhưng cũng khó truy cập vào một số thời điểm. Hệ thống hạ tầng của ISP lớn nhất là VDC cũng có những thời điểm bị nghẽn băng thông vì các báo điện tử bị DDoS đều có máy chủ đặt ở VDC.


Trong cuộc tấn công DDoS đồng thời nhằm vào nhiều báo điện tử này, Bộ TT&TT đã có sự chỉ đạo ứng cứu sát sao, tập trung mọi nguồn lực từ các ISP để mở rộng hạ tầng, phối hợp với các cơ quan an ninh, an toàn thông tin để truy tìm và chặn IP của máy chủ điều khiển, tuyên truyền phương pháp diệt virus botnet tham gia cuộc tấn công. Do đó, cuộc tấn công DDoS đã bị chặn và giảm dần cường độ trong thời gian ngắn, không thể tấn công kéo dài hàng tháng như các cuộc DDoS trước đây.


5. Viettel, FPT, VNPT nhảy vào thị trường truyền hình cáp



Ngày 26/4/2013, Bộ TT&TT đã chính thức cho phép Viettel được triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Viettel cũng cam kết chịu phạt tới 80 tỉ đồng nếu không tuân thủ lộ trình số hóa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngày 6/8/2013, Bộ TT&TT cũng đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho FPT Telecom.


Việc Viettel và FPT Telecom "tham chiến" vào thị trường truyền hình cáp sẽ thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ ở một lĩnh vực mà VTV đang gần như chiếm thế độc quyền. Hiện VTV nắm trong tay hơn 70% thị phần của dịch vụ truyền hình cáp. Trước đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã lên tiếng với cơ quan quản lí rằng phải “ngăn sông cấm chợ” không cho doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường này. Ngay lập tức đòi hỏi của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã bị dư luận phản ứng. Nhiều ý kiến nghi ngờ Hiệp hội này bảo vệ quyền lợi cho VTV và HTV chứ không đứng về phía lợi ích của khách hàng.


Tiếp sau Viettel và FPT, VNPT cũng đệ đơn lên Bộ TT&TT xin được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên phạm vi toàn quốc.


6. Samsung và Nokia cùng đẩy mạnh đầu tư vào thị trường VN



Ngày 2/10, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chính thức trao giấy phép đầu tư cho dự án nhà máy chuyên sản xuất vi mạch điện tử và linh kiện cho điện thoại di động của Tập đoàn Samsung với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD. Cùng với các Nhà máy được triển khai trước đó tại Bắc Ninh, Samsung đã chính thức nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên gần 6 tỉ USD và biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất quan trọng của mình trên thế giới.


Ngày 28/10 hãng điện thoại Phần Lan Nokia cũng đã chính thức khánh thành nhà máy đầu tiên của mình tại Thành phố Bắc Ninh với vốn đầu tư ban đầu khoảng 320 triệu USD, giai đoạn đầu sẽ chỉ sản xuất dòng điện thoại bình dân, giá rẻ Nokia 105.


Các sự kiện trên cho thấy các tập đoàn CNTT lớn trên thế giới đang tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sự có mặt của các dự án lớn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động và kéo theo các công ty vệ tinh đầu tư vào Việt Nam cho dù có tới khoảng 95% sản phẩm của các dự án này được dành cho xuất khẩu.


7. Phóng thành công vệ tinh viễn thám của Việt Nam



Ngày 19/11/2013 giờ Việt Nam, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon có kích thước 10x10x11,35 cm, nặng 1 kg do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát tín hiệu đầu tiên về mặt đất. Trước đó, ngày 4/8/2013, vệ tinh PicoDragon đã được phóng thành công lên Trạm ISS qua tàu vận chuyển HTV4 của Nhật Bản. Với kết quả này, PicoDragon đã trở thành vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên không gian. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.


Ngày 4/5/2013, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 chuyên quan sát về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai đã được phóng lên quỹ đạo. Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro (tương đương hơn 1500 tỉ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp và 64.820 triệu đồng từ vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1 có thể chụp ảnh những vị trí trên trái đất để phục vụ cho các mục đích như chủ động theo dõi diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi xảy ra những sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu...


8. Tổng giám đốc VNPT bất ngờ bị điều chuyển công tác



Kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố sáng 19/7/2013 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lí, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam(VNPT) cho thấy VNPT đã có nhiều sai phạm về đầu tư mua sắm gây lãng phí vốn, đầu tư không hiệu quả. Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, cá biệt có dự án cáp quang biển Bắc Nam trị giá 3.000 tỉ đồng sử dụng vốn ODA của Nhật Bản bị triển khai chậm 10 năm, đã phải ngừng triển khai.


Theo nhận định của Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT, “từ 2006 - 2010, kết quả kinh doanh của VNPT giảm sút liên tục, trung bình giảm 7,8%/năm, quản trị doanh nghiệp bộc lộ sự trì trệ”, “lãnh đạo VNPT đã thể hiện sự lúng túng, nhận thức không đầy đủ và thể hiện quyết tâm chưa cao trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ”.


Do vậy, để Đề án Tái cơ cấu VNPT được thực hiện triệt để, củng cố lại toàn diện tập đoàn, khắc phục hạn chế để VNPT vươn lên trước yêu cầu đổi mới hiện nay, ngày 6/8/2013, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son đã kí Quyết định số 964/QĐ-BTTTT giao ông Trần Mạnh Hùng, phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, đồng thời điều động ông Vũ Tuấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc VNPT về công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ TT&TT.


9. Bắt đầu thực hiện số hóa truyền hình



Theo lộ trình mà Bộ TT&T đưa ra đến tháng 6/2014, 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng sẽ phải phủ sóng truyền hình số. Năm 2013 là thời điểm các nhà đài đẩy mạnh chiến dịch thay đổi phương thức truyền dẫn phát sóng nhằm chiếm lĩnh thị phần.


Số hóa khâu truyền dẫn, phát sóng được xem là xu thế phổ biến trên toàn thế giới và không thể đảo ngược trong bối cảnh CNTT ngày càng phát triển. Rất nhiều nước đã chuyển đổi thành công sang truyền hình số và ngừng phát sóng tương tự trên toàn quốc. Điều này sẽ giúp mang lại diện mạo mới cho truyền hình mặt đất với nhiều kênh truyền hình chất lượng tốt hơn so với truyền hình tương tự và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và những nhu cầu mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.


10. “Lùm xùm” kết nối giữa CMC, FPT, Viettel, VDC



Đầu năm 2013, vấn đề kết nối ngang hàng giữa các doanh nghiệp như CMC Telecom - Viettel, CMC Telecom - FPT Telecom, Viettel – VDC bỗng trở nên nóng bỏng và các doanh nghiệp Internet lớn quay sang tính tiền các doanh nghiệp Internet nhỏ. Thậm chí đã có thời điểm các doanh nghiệp này đã cắt kết nối của nhau khiến khách hàng lãnh đủ. Đỉnh điểm là từ ngày 1/3 - 22/3/2013, các thuê bao 3G của Viettel bị chậm kết nối tới một số website đặt tại VDC như dantri, nhaccuatui...


Sau đó, Viettel đã có công văn xác nhận về việc này, nguyên nhân chủ yếu là do kênh kết nối trực tiếp giữa VDC và Viettel đã bị cắt từ ngày 1/3 theo đề nghị của VDC. Vì vậy, lưu lượng trao đổi giữa 2 doanh nghiệp phải chuyển qua đường kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) trong khi dung lượng kết nối đến VNIX của 2 doanh nghiệp không được nâng lên, do đó gây ra hiện tượng nghẽn. Việc VDC và Viettel ngắt hợp đồng kết nối trực tiếp là không có lợi cho cả hai bên và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Trước vấn đề này, Bộ TT&TT đã phải vào cuộc và bổ sung thêm các quy định về quản lí kết nối Internet.


Theo Zing



QUẢN LÝ KHÁCH SẠN NHÀ HÀNG

QUẢN TRỊ NHÀ HÀNG KHÁCH SẠN

QUẢN TRỊ NHÀ HÀNG KHÁCH SẠN Nỗ lực tìm một CEO (tổng giám đốc) chuyên nghiệp với kỳ vọng người này sẽ đồng hành, gắn bó lâu dài là tâm lý chung của đa số doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, những cuộc “hôn nhân” đó đều chấm dứt chỉ sau một thời gian ngắn. Khi có sự thay đổi lớn về chiến lược, chẳng hạn như tái cấu trúc, chuẩn bị mua bán – sáp nhập, mở rộng vốn đầu tư và thị trường, các chủ doanh nghiệp thường có nhu cầu tìm kiếm một tướng giỏi để giúp họ lèo lái công việc. Song, khi đã thành công hoặc tạm thành công với chiến lược mới, dấu hiệu rạn nứt giữa đôi bên bắt đầu xảy ra và CEO phải ra đi. Ông Robert Trần, CEO Công ty Robenny khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuyên tư vấn và cho thuê CEO, khuyên, các ông chủ doanh nghiệp đừng quá kỳ vọng vào một cuộc hôn nhân bền vững, lâu dài. “Doanh nghiệp Việt nên thay đổi quan niệm, chọn đúng CEO vào đúng từng giai đoạn phát triển của công ty”, ông nói. Đây cũng là cách thức mà các nước phát triển đã áp dụng thành công.

Khi nào tôi cần thuê CEO?
Nam Long là một tập đoàn chuyên đầu tư và kinh doanh bất động sản đã trải qua 18 năm tồn tại, có 8 công ty con và đang hoạt động mạnh trong 3 lĩnh vực: phát triển quỹ đất, nhà ở và các dự án văn phòng, trung tâm thương mại. Với quy mô ngày càng lớn, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, cho biết ông muốn tìm một CEO chuyên nghiệp nhưng 5 năm rồi vẫn chưa tìm được.
Không giống như Nam Long, các công ty như Đồng Tâm, Giấy Sài Gòn đều đã thuê CEO, nhưng rồi họ cũng ra đi. Sau các cuộc chia tay đó, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đồng Tâm và ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Giấy Sài Gòn, đã có những trải nghiệm quý giá chia sẻ với gần 200 doanh nhân tại buổi Tọa đàm “Finding CEO – Gian nan đường tìm tướng giỏi” do Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua.
Theo ông Robert Trần, mỗi doanh nghiệp đều trải qua 3 giai đoạn phát triển: bắt đầu phát triển, phát triển và phát triển bền vững. Ở mỗi giai đoạn doanh nghiệp sẽ có mục tiêu khác nhau nên nhu cầu thuê CEO cũng khác nhau. Theo ông, đa số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam hiện nay ở giai đoạn đang phát triển, nhưng chính xác là vào đầu, giữa hay cuối giai đoạn thì chủ doanh nghiệp cần phải xác định rõ.
Năm 2007, Đồng Tâm là 1 trong 2 doanh nghiệp lớn của Việt Nam được Bộ Khoa học Công nghệ chọn triển khai thí điểm dự án “Vươn tới đỉnh cao” (BiC – Best in Class), xây dựng những thương hiệu lớn của Việt Nam vươn lên tầm khu vực. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải tái cấu trúc dây chuyền sản xuất, nhân sự… Chủ tịch Võ Quốc Thắng đã mời ông Etienne Lucien Laude (quốc tịch Pháp), từng là CEO Công ty Thiết bị Điện Schneider Vietnam, về giữ chức CEO của Đồng Tâm.
Về Đồng Tâm tháng 8.2008, ông Laude đã bắt tay triển khai module đầu tiên về quản lý sản xuất theo BiC, giúp tiết kiệm tối đa chi phí quản lý, hạn chế tồn kho… Tuy nhiên, cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Đồng Tâm đã kết thúc hợp đồng 2 năm với CEO người Pháp này, dù những module quan trọng của quá trình tái cấu trúc vẫn chưa kết thúc.
Giống như Đồng Tâm, đầu năm 2003, Giấy Sài Gòn tiến hành cổ phần hóa, ông Vị đã bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi mô hình quản trị từ gia đình sang kiểu quản lý chuyên nghiệp thường thấy ở nhiều tập đoàn đa quốc gia, thuê CEO điều hành Công ty, còn ông lui về làm chiến lược. Đến năm 2008, Giấy Sài Gòn quyết định tăng vốn, mở rộng đầu tư và đã mời ông Trần Xuân Nam về làm CEO. Ông Nam từng là giám đốc tài chính của nhiều công ty lớn như Đồ gỗ Scancom Việt Nam (Đan Mạch), Coca-Cola Việt Nam, Tập đoàn Kinh Đô và là Phó Giám đốc Công ty Gỗ Trường Thành. Với kinh nghiệm và chuyên môn về tài chính, ông Nam đã rất thành công trong việc huy động vốn cho Công ty. Tuy nhiên, khi Giấy Sài Gòn đặt ra chỉ tiêu duy trì và tăng trưởng doanh thu trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu thì sở trường tài chính của vị CEO mới không còn phù hợp. Cuối năm 2008, ông Nam từ chức.
Lúc này, ông Vị đã mời ông Huỳnh Văn Rô, vốn giỏi trong lĩnh vực bán hàng, về thay ông Nam. Năm 2008, dưới thời ông Rô, tốc độ tăng trưởng của Giấy Sài Gòn có phần ổn định, song tình hình nhân sự lại có nhiều xáo trộn, không ít người giỏi đã ra đi. Đến cuối năm 2009 ông Rô cũng rời Giấy Sài Gòn, ông Vị lại trở về với vai trò CEO.
Cũng với mục đích thay đổi chiến lược, năm 2009, Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa quyết định mở rộng thị trường ở nước ngoài, tham vọng xây dựng thương hiệu toàn cầu và mời ông Đỗ Hòa về làm CEO. Ông Hòa từng có hơn 10 năm làm CEO cho các công ty thương mại nước ngoài và Giám đốc Chiến lược Khu vực Đông Nam Á cùng với New Zealand và Úc của Tập đoàn Shell (Hà Lan) suốt 9 năm, trong đó có 2 năm làm chuyên gia cao cấp của Shell tại Indonesia. Tuy nhiên, sau 1 năm, ông Hòa cũng rời Kềm Nghĩa với lý do không đồng quan điểm về chiến lược phát triển của Công ty. Sau 1 năm ông Hòa làm CEO, doanh số của Kềm Nghĩa đã tăng từ 13% lên 21%, ngay trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu và doanh số của toàn ngành lúc đó giảm đến 40%.
Dù đều có kết cục chung đường ai nấy đi, nhưng sau những cuộc chia tay này ông Robert Trần cho rằng, các ông chủ doanh nghiệp nói trên vẫn đạt được những thành công nhất định vì đã chọn đúng CEO vào đúng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến đây một câu hỏi khó lại được đặt ra là biết tìm ở đâu những CEO như vậy.
CEO đến từ đâu?
Theo ông Robert Trần, có 3 nguồn thuê CEO là người Việt làm quản lý tại các công ty đa quốc gia, Việt kiều và nhà quản lý người nước ngoài.
Nhóm CEO người Việt có mặt mạnh là am hiểu thị trường, có nhiệt huyết và tham vọng phát triển nhanh. Đặc biệt, họ cùng có chung ngôn ngữ, am hiểu văn hóa làm việc của người Việt. Trong khi đó, các CEO là Việt kiều đa số có kinh nghiệm quản lý từ các tập đoàn đa quốc gia và lợi thế của họ là giỏi ngoại ngữ, biết văn hóa làm việc ở trong nước và cả nước ngoài. Cuối cùng là CEO người nước ngoài, với lợi thế được đào tạo và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia, hiểu thị trường nước ngoài.