Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Smartcom chính thức phân phối điện thoại Pantech tại VN

Smartcom chính thức phân phối điện thoại Pantech tại VN

Ngày 28/2, Pantech chính thức hợp tác cùng Smartcom phân phối điện thoại chính hãng Vega Iron đầu tiên tại Việt Nam.



Vega Iron một sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc, trang bị màn hình kích thước 5 inch với độ phân giải 1280 x 720 pixel, sở hữu bộ vi xử lí lõi tứ SnapDragon 600 1,7 GHz, RAM 2 GB và bộ nhớ trong 32 GB. Thiết bị sử dụng giao diện Vega UX tùy biến trên nền Android 4.1.2. Sản phẩm có camera 13 Mpx, đèn LED bằng ngọc có thể tuỳ chỉnh đổi màu phát sáng được đặt ở điểm khuyết tại góc phải của máy.


Ngoài các phụ kiện đi kèm thông thường như sạc, tai nghe… Vega Iron còn hỗ trợ thêm cho người dùng 1 dock sạc và 1 pin ngoài để đảm bảo thiết bị luôn được kết nối xuyên suốt.


Sản phẩm sẽ được bán với giá 8.990.000VNĐ.





Acer: Chúng tôi chưa dám “liều” với Windows Phone

Acer: Chúng tôi chưa dám “liều” với Windows Phone

Acer mới đây vừa tiết lộ với báo giới rằng hãng không thể chấp nhận rủi ro với Windows Phone khi mà lượng ứng dụng cho nền tảng này vẫn chưa đủ tốt cũng như số người dùng HĐH này còn khá ít.



Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Inquirer về tương lai của các thiết bị chạy Windows Phone của hãng, Phó Chủ tịch mảng smartphone Acer, ông Allen Burnes cho biết rằng hiện hãng chưa thể mạo hiểm tại thời điểm này.


"Windows Store đang được cải thiện theo chiều hướng tốt. Tuy nhiên, với 350.000 ứng dụng hiện có nhưng thậm chí rất ít trong số đó lọt top 100 ứng dụng phổ biến sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho người dùng. Hiện tại, ứng dụng cho nền tảng này còn quá nhiều nhược điểm và cần phải sửa chữa ngay bởi đây chính là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới người dùng", Burnes nhận định.


Burnes cũng nói thêm rằng việc nhu cầu người dùng cho Windows Phone còn khá ít và không đủ để hãng có thể "liều mình" sản xuất 1 thiết bị chạy nền tảng này.


"Nhu cầu người dùng là yếu tố tiên quyết, là lí do vì sao chúng tôi chưa phát hành một thiết bị chạy Windows Phone. Hiện tại, nền tảng này chỉ chiếm khoảng 7% tại châu Âu và mặc dù nó là HĐH cho trải nghiệm tuyệt vời, chúng tôi vẫn chưa thể liều", Burnes cho biết.


Tuy nhiên, ông này cũng tiết lộ rằng hãng sẽ không loại trừ việc sản xuất 1 thiết bị chạy Windows Phone khi mà có lượng người dùng ổn định.


"Chúng tôi đang đàm phán với Microsoft và nếu như nền tảng của họ chiếm 10 - 15%, chúng tôi sẽ cân nhắc sản xuất những thiết bị chạy Windows Phone", Burnes cho biết.


Hiện tại, Acer đang tập trung vào những thiết bị chạy Android. Tại MWC 2014 vừa diễn ra cách đây ít ngày, hãng cũng đã công bố 2 thiết bị giá rẻ chạy nền tảng Google bao gồm Liquid Z4 có màn hình 4 inch và Liquid E3 với màn hình 4,7 inch.


Trước đó, hãng cũng đã từng ra mắt 1 thiết bị Windows Phone mang tên W4 với màn hình 3,5 inch, chip Snapdragon tốc độ 1 GHz, bộ nhớ trong 8 GB cùng camera sau 5 Mpx.


Theo The Inquirer



Microsoft đang thử nghiệm bản “Windows 8.1 with Bing” miễn phí?

Microsoft đang thử nghiệm bản “Windows 8.1 with Bing” miễn phí?

Theo trang The VergeZDNet, Microsoft hiện đang thử nghiệm một phiên bản Windows 8.1 miễn phí nhằm mục tiêu tăng lượng người sử dụng nền tảng này.



Theo đó, bản miễn phí nói trên được gọi trong nội bộ công ty là "Windows 8.1 with Bing", gợi ý rằng nó được tích hợp chặt chẽ với rất nhiều các dịch vụ và ứng dụng do Microsoft xây dựng. Thông qua dự án thử nghiệm này, Microsoft hi vọng sẽ có thêm nhiều thiết bị Windows giá rẻ được đưa đến tay người dùng, từ đó giúp cách dịch vụ đám mây của mình thu được nhiều tiền hơn. Hiện chưa rõ bao giờ thì "Windows 8.1 with Bing" sẽ ra mắt, nó có điểm khác biệt lớn nào so với Windows hiện nay và mức độ quan tâm của Microsoft với dự án như thế nào.


Các nguồn tin tiết lộ thêm rằng Microsoft muốn định vị "Windows 8.1 with Bing" như là một bản cập nhật miễn phí (hoặc nếu có thu phí thì giá cũng rất rẻ) cho người dùng Windows 7. Nó cũng có thể được cung cấp cho các nhà sản xuất PC như một phần của chương trình giảm giá bản quyền Windows cho các thiết bị giá dưới 250 USD. Nói chung, tất cả mọi thay đổi đều nhắm đến mục tiêu cuối cùng là tăng lượng người dùng hệ sinh thái này.


Trong thời gian qua chúng ta đã thấy hoặc nghe nói đến nhiều động thái của Microsoft nhằm giúp giảm giá máy và tăng số lượng người sử dụng, điển hình như việc cải tiến Bing để cạnh tranh mạnh hơn với Google Search. Microsoft cũng được cho là đang cân nhắc giảm giá bản quyền Windows Phone, thậm chí là cung cấp miễn phí nó cho các công ty phần cứng, đồng thời lên kế hoạch gộp chung Windows RT lại với Windows Phone.


Nhiều chi tiết hơn sẽ được hãng công bố tại sự kiện BUILD 2014 diễn ra vào đầu tháng 4 tới.


Theo Tinhte/The Verge, ZDNet



Cuộc chiến smartphone khiến giá giảm khó tin

Cuộc chiến smartphone khiến giá giảm khó tin

Trong khi thị trường thiết bị cao cấp trở nên bão hòa, nhu cầu về các smartphone có giá 100 USD hoặc thấp hơn đang gia tăng mạnh. Vậy mức giá còn giảm tới mức nào nữa?



Tuy nhu cầu về các smartphone giá rẻ tăng mạnh nhưng không phải phải tất cả các nhà sản xuất điện thoại đều có xu hướng giảm giá sản phẩm. Tuy nhiên, “cơn lốc” smartphone giá rẻ đang tuôn trào.


Đặc biệt tại MWC 2014 diễn ra tại Barcelona trong tuần vừa rồi, triển lãm thương mại thường niên lớn nhất của ngành công nghiệp, đã có sự chuyển dịch từ các thiết bị cao cấp, đắt tiền, màn hình lớn sang các smartphone bình dân mà các nhà phân tích cho biết, hiện đang thể hiện xu hướng tăng trưởng tốt nhất của ngành công nghiệp.


“Tất cả các điện thoại trông na ná nhau nên khó có thể phân biệt các thương hiệu hàng đầu như Samsung, Apple và Nokia”, Ben Wood of CCS Insight – nhà phân tích ngành công nghiệp cho biết sau khi khảo sát các điện thoại và các thiết bị di động khác tại MWC 2014.


Theo dự báo, sự phát triển về sản lượng smartphone toàn cầu sẽ giảm mạnh trong năm nay và giữ tốc độ tăng trưởng chậm từ nay cho tới năm 2018, với mức giá trung bình giảm đáng kể khi nhu cầu dịch chuyển sang Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển, hãng nghiên cứu thị trường IDC cho biết.


Vì vậy, hiện giờ nhà sản xuất điện thoại đang chào hàng các thiết bị mới, giá rẻ tiếp cận với mức giá gần 100 USD hoặc thấp hơn.


Những nhà sản xuất đi đầu trong thị trường này chính là các hãng Trung Quốc, một vài tên tuổi có thương hiệu toàn cầu và các nhà sản xuất khác mà tên tuổi của họ hầu như chưa được biết đến ở ngoài thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã có những bước tiến rất lớn trong việc đạt được chuyên môn về kĩ thuật và thiết kế, cho phép họ giảm chi trí mà không cần hi sinh chất lượng sản phẩm.


Những nhà sản xuất đã thành công trong lĩnh vực này cho đến nay là Huawei, Lenovo, TCL và những tên tuổi mới như Gionee, Oppo và CorePad đã sẵn sàng trở thành thương hiệu lớn trên thị trường quốc tế trong những năm tới, Wood cho biết.


Tất cả các nhà sản xuất này đều có lợi thế sân nhà Trung Quốc- thị trường điện thoại lớn nhất thế giới.


Nokia X – smartphone Android đầu tiên của Nokia


Xu hướng chuyển dịch đó đã buộc Nokia – từng dẫn đầu thị trường điện thoại di động toàn cầu - ra mắt thiết bị hoạt động trên hệ điều hành Android để xâm nhập vào thị trường smartphone bình dân, cho dù Android là đối thủ của chính “ông chủ” Microsoft.


Ra mắt Nokia X với giá 120 USD, Stephen Elop – Giám đốc điều hành của tập đoàn Phần Lan, gọi mức giá dưới 100 USD là “cơ hội lớn” với phân khúc smartphone hiện đang tăng trường gấp 4 lần so với các thị trường còn lại.



Thị trường smartphone giá rẻ đã trở thành cơ hội lớn cuối cùng của Nokia khi họ phải chạy sang hệ điều hành của đối thủ - Android của Google. Tuy nhiên, Nokia X hoàn toàn khác so với các smartphone Android khác trên thị trường. Tuy chạy Android nhưng chúng không truy cập được vào kho ứng dụng của Google mà sử dụng kho ứng dụng riêng với những ứng dụng do Nokia cung cấp và phục vụ các dịch vụ của Microsoft.


Thông thường, smartphone giá rẻ sẽ phải hi sinh màn hình lớn, bộ nhớ, chất lượng máy ảnh và chỉ có vài tính năng mới như nhận diên vân tay, được thiết kế để nhắm tới hàng tỉ người tiêu dùng mới tại các thị trường đang nổi.


Doanh số bán smartphone năm ngoái lần đầu tiên đã vượt qua điện thoại tính năng (dòng sản phẩm chỉ dành cho nghe gọi và nhắn tin).


IDC cho biết, doanh số smartphone có giá dưới 100 USD tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, đạt 159 triệu chiếc. Các smartphone có giá dưới 50 USD thậm chí còn phát triển nhanh hơn, tăng từ 900 nghìn chiếc (năm 2012) lên 19,5 triệu chiếc (năm ngoái).


Giá xuống 25 USD (500 nghìn đồng)


Trong khi Google mới đây công bố một dự án smartphone “lắp ghép” với giá bán 50 USD (khoảng 1 triệu đồng) khá hấp dẫn, thì Mozilla cùng các đối tác đang đẩy mạnh cho ra đời loạt smartphone Firefox giá chỉ 25 USD (500 nghìn đồng).


Mozilla đã tìm thấy ngách nhỏ trong thị trường hệ điều hành di động bằng chiến lược đẩy mạnh dòng sản phẩm bình dân với các thiết bị đầu tiên ra mắt tại các quốc gia như Hungary, Venezuela, Colombia, Brazil, và Hi Lạp. Mozilla, một tổ chức phi lợi nhuận, hi vọng sử dụng hệ điều hành dựa trên trình duyệt để làm giảm rào cản ngày nay đang giữ người dùng khép kín trong hệ sinh thái liên kết giữa phần cứng, hệ điều hành, kho ứng dụng, dịch vụ, nội dung và các ứng dụng.


Ảnh

Firefox OS- hệ điều hành dành cho smartphone bình dân.



Mozilla cũng đã mở rộng quan hệ đối tác với các đồng minh Firefox OS mà họ công bố tại MWC năm ngoái, gồm Alcatel và ZTE . Họ ra mắt mô hình nâng cấp với chip chuyển sang lõi kép và thêm tùy chọn màn hình lớn hơn, mang lại hiệu suất xử lí nhanh hơn mà không hề tăng giá.


Một trong những điện thoại Alcatel chính là One Touch Fire S. Sản phẩm này đã đưa Firefox OS lên tầm cao mới với bộ xử lí lõi tứ và hỗ trợ kết nối mạng LTE. Alcatel cũng trình diễn phiên bản đầu tiên của máy tính bảng, One Touch Fire 7.


Tại một sự kiện của Mozilla, một đối tác mới, Huawei đã trình diễn điện thoại Firefox đầu tiên - Y300. Sản phẩm sở hữu màn hình 4 inch, độ phân giải 800 x 480 pixel, bộ xử lí lõi đôi, bộ nhớ RAM 512 MB, tích hợp camera 5 Mpx ở mặt sau, camera 0,3 Mpx ở mặt trước và hoạt động trên hệ điều hành Firefox OS 1.1. Hiện chưa rõ thời điểm sản phẩm này sẽ bán ra thị trường.


Để đưa mức giá xuống tới 25 USD, đồng nghĩa với việc hệ điều hành Firefox sẽ cung cấp sự lựa chọn mới cho người dùng thay thế điện thoại tính năng. Vì vậy, Firefox có cơ hội trong phân khúc này. Về lâu dài, để thành công, Firefox OS sẽ cần phải đẩy mạnh thị trường và không rõ làm cách nào để Mozilla sẽ thành công với sự cạnh tranh thực sự rất khốc liệt trong thị trường hiện nay.


Theo VnMedia



Những lưu ý về bảo mật vân tay trên di động

Những lưu ý về bảo mật vân tay trên di động

Bảo mật vân tay sẽ là xu hướng thanh toán mới thay thế việc nhập mật khẩu truyền thống. Tuy vậy, cơ chế xác thực này chưa phải là tuyệt đối an toàn.


iPhone 5s không phải là chiếc điện thoại đầu tiên sở hữu cảm biến vân tay. Nhưng kể từ khi Apple ra mắt, bảo mật vân tay đã trở thành xu hướng trên các thiết bị di động cao cấp. Tại MWC 2014, Samsung đã trình làng Galaxy S5 cũng được trang bị tính năng này.


Dưới đây là những cơ bản về phương pháp bảo mật này:

Cơ chế hoạt động


Galaxy S5 trang bị cảm biến vân tay trên phím Home giống như Apple làm trên iPhone 5s. Trên Galaxy S5, để ghi nhận dấu vân tay, người dùng cần quét ngón tay qua cảm biến 7 lần sau đó nhập một mật khẩu sao lưu để dùng khi máy không quét được vân tay. Với iPhone 5s, công việc cũng tương tự.



Thiết bị di động sẽ chuyển đổi các đặc điểm trắc sinh học thành một đoạn mã dựa trên các thuật toán nhận dạng. Samsung cho biết, thông tin này sẽ chỉ lưu trên thiết bị. Apple nói cụ thể hơn, dấu vân tay người dùng sẽ được lưu trữ trên chip xử lí của iPhone 5s. Cả hai hãng đều khẳng định không lưu giữ thông tin cũng như chia sẻ dấu vân tay lên máy chủ để đảm bảo tính bảo mật.


Khi muốn mở khóa, người dùng vuốt tay lên phím Home để nhận dạng. Thiết bị sẽ tiếp nhận thông tin sau đó dùng thuật toán so khớp với dữ liệu vân tay trong máy để quyết định đó có đúng là chủ máy không.


iPhone 5s cho phép lưu trữ 5 dấu vân tay trong khi đó Galaxy S5 hỗ trợ lưu 3 dấu vân tay. Thiết bị của Apple cũng được đánh giá cao hơn nhờ khả năng sử dụng tiện lợi và nhận diện chính xác ngay cả khi ngón tay đặt lệch.



HTC One Max cũng được trang bị bảo mật vân tay và còn ra mắt trước Samsung Galaxy S5. Tuy nhiên, việc đặt cảm biến ở phía sau máy cùng cơ chế nhận dạng thiếu chính xác khiến thiết bị này không được đánh giá cao.


Bảo mật vân tay được tích hợp nhiều tính năng


Việc đầu tiên đó là mở khóa thiết bị mà không cần nhập mật khẩu. Ngoài ra với HTC One Max, nhà sản xuất Đài Loan còn trang bị tính năng cho phép khởi động ứng dụng tùy theo ngón tay. Chẳng hạn, khi quét bảo mật bằng ngón trỏ, chương trình chụp hình sẽ khởi động, khi quét bằng ngon giữa sẽ mở chương trình nghe nhạc,…


Với Apple, ngoài việc mở khóa màn hình, người dùng có thể mua ứng dụng trên iTunes bằng xác thực vân tay thay vì phải nhập mật khẩu. Hãng cũng cho biết, không cung cấp cơ chế xác thực vân tay cho bất kì ứng dụng nào khác để đảm bảo tính bảo mật.


Ảnh

Xác thực thay toán PayPal bằng vân tay trên Samsung Galaxy S5.



Samsung lại có cơ chế linh hoạt hơn. Ứng dụng đầu tiên của cảm biến vân tay trên Galaxy S5 là dùng cho thành toán trực tuyến PayPal. Thay vì nhập mật khẩu theo cách thông thường, người dùng có thể mua hàng nhanh bằng cách vuốt ngón tay. Tuy vậy, Anuj Nayar, quản lí cấp cao của PayPal cho biết, thường sẽ có sự đánh đổi giữa bảo mật và tiện lợi. Việc sử dụng cảm biến vân tay sẽ giúp thanh toán dễ dàng hơn những cũng làm giảm khả năng bảo mật.


Ngoài ra, Samsung cũng cho phép các lập trình viên sử dụng thư viện bảo mật vân tay để phát triển nhiều tính năng mới. Với mỗi ngón tay, người dùng cũng có thể gán các tác vụ tương tự HTC làm trên chiếc One Max.


Bảo mật vân tay không phải là an toàn tuyệt đối


Ảnh

Bảo mật vân tay không phải là tuyệt đối an toàn.



Không lâu sau khi Apple bán ra iPhone 5s, nhóm hacker người Đức cho biết đã vượt qua được cơ chế bảo mật vân tay. Bằng việc sử dụng máy in thông thường và keo để tạo ra bản sao của mẫu vân tay gốc, chiếc điện thoại mới nhất của Apple đã hoàn toàn bị “đánh lừa”. Tuy việc làm giả vân tay này không dễ dàng, nhưng nó cũng chứng minh một điều, bảo mật vân tay trên iPhone 5s nói riêng và trên các thiết bị di động nói chung là hoàn toàn có thể vượt qua.


Trong cơ chế bảo mật vân tay, người dùng vẫn cần đặt mật khẩu để dùng trong trường hợp ngón tay bị thương, bị ướt… “Trắc sinh học là cơ chế tốt để xác thực nhưng việc dùng bảo mật cũng phụ thuộc vào khả năng nhận dạng”, Jeremy Bennett, trưởng bộ phận bảo mật di động McAfee cho biết. Do đó, bảo mật kép bằng cách sử dụng vân tay và một cơ chế khác (mật khẩu chẳng hạn) sẽ an toàn hơn.


Bảo mật vân tay sẽ là tương lai của thành toán di động


Phụ trách dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal cho biết, công ty sẽ kiểm tra và theo dõi thường xuyên để tránh việc gian lận. Chẳng hạn tài khoản của bạn vừa được dùng để thanh toán đồ ăn tại Mỹ sau đó ít phút lại được dùng để trả tiền café tại Canada thì việc trộm cắp là hoàn toàn có thể xảy ra.



Điều này cho thấy, ngoài việc người dùng tự bảo vệ chính mình thì các công ty cũng luôn có xu hướng bảo vệ khách hàng. PayPal cũng cho phép khách hàng khóa tài khoản khi bị mất cắp thiết bị hoặc ngón tay bị thương không thể thực hiện giao dịch.


Bảo mật vân tay sẽ là tương lai của giao dịch điện tử, bất chấp vấn đề nó càng phổ biến thì sẽ càng có nhiều lỗ hổng được tìm ra.


Theo VnExpress



3 thách thức của tân tổng giám đốc Viettel

3 thách thức của tân tổng giám đốc Viettel

Tốc độ tăng trưởng của Viettel đang giảm dần khi thị trường viễn thông nội địa bão hòa, mở rộng ra nước ngoài ngày càng khó khăn là điều mà ông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ phải đối đầu.



Hôm nay (1/3), ông Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu trở thành Tổng giám đốc, điều hành Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) thay cho Trung tướng Hoàng Anh Xuân nghỉ hưu. Nếu thách thức đầu tiên của ông Xuân trước đây là ổn định bộ máy và đưa Viettel từ một công ty sập xệ, mất đoàn kết trở thành một đơn vị hùng mạnh thì người kế nhiệm lại hoàn toàn khác. Tổng giám đốc mới của Viettel tiếp nhận một tập đoàn đa quốc gia từ người tiền nhiệm, với doanh thu lên tới 8 tỉ USD trong năm 2013 và đang đứng số 1 toàn diện (hạ tầng, doanh thu, lợi nhuận) về viễn thông tại Việt Nam, Lào, Campuchia.


Thế nhưng, cùng với những vị trí rất cao của Viettel ở trong cũng như nước ngoài, tập đoàn này đứng trước những thách thức rất lớn về tăng trưởng. Nếu như đầu năm 2012, hãng viễn thông này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 20-25% thì 2014 con số này chỉ còn 12-15%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn so với năm trước đó (2013 tăng trưởng doanh thu 15,2%). Mà nói như một vị lãnh đạo thuộc cấp rất cao của Viettel: “Một công ty mà tăng trưởng chậm thì sẽ sinh ra rất nhiều bệnh tật”.


Ảnh

Việc mở rộng ra thị trường nước ngoài của Viettel sẽ ngày càng khó khăn hơn.



Trong thông cáo báo chí phát đi về việc ông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành từ 1/3, tập đoàn này nêu lên 3 thách thức: thị trường viễn thông Việt Nam đã bước vào thời kì bão hòa, các dịch vụ OTT đang làm xói mòn doanh thu viễn thông truyền thống, và việc đầu tư nước ngoài cũng khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, ông Hùng sẽ phải chèo lái Viettel để đưa tập đoàn này trở thành 1 trong 20 công ty viễn thông và CNTT lớn nhất toàn cầu, 1 trong 10 công ty viễn thông lớn nhất về đầu tư ra nước ngoài. Một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhận xét: “Người nắm quyền khi công ty đang ở đỉnh cao sẽ vô cùng mệt mỏi. Nhận ghế tổng giám đốc từ ông Xuân, anh Hùng làm gì để có thêm kì tích mới sẽ là một dấu hỏi và sức ép sẽ rất lớn”.


Nguồn tin từ tập đoàn này cho biết, 2014 và các năm tiếp theo, Viettel xác định những chuyển dịch chiến lược quan trọng, gồm: chuyển dịch từ di động sang di động băng rộng; từ cố định sang cố định băng rộng; từ công ty mạng lưới sang công ty dịch vụ; từ công ty điều hành sang công ty sáng tạo; từ công ty dịch vụ sang công ty nghiên cứu sản xuất công nghệ cao; từ công ty trong nước thành một công ty toàn cầu. Trong một buổi trao đổi với báo chí vào cuối năm Quý Tị (đầu năm 2014 Dương lịch), ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ dự kiến sẽ mua một công ty sáng tạo như OTT để tạo nên một nhân tố kích thích đổi mới mạnh mẽ cho tập đoàn này.


Nguồn tin khác từ Viettel cho biết, dự kiến mua lại một công ty OTT xuất hiện từ cuối năm 2013 khi làn sóng ứng dụng nhắn tin miễn phí tăng trưởng cực mạnh tại Việt Nam và các nhà mạng đều lo lắng về việc doanh thu bị đe dọa. Sau đó, trên trị trường xuất hiện thông tin nhà mạng quân đội đang có kế hoạch mua Kakao Talk – OTT đến từ Hàn Quốc và đã âm thầm rút khỏi Việt Nam. Zalo - ứng dụng nhắn tin miễn phí Việt Nam, cũng được đồn là có tên trong danh sách của hãng viễn thông quân đội.


Lãnh đạo cấp cao của Viettel cho biết, việc mua một công ty OTT nhắm tới 2 mục tiêu. Thứ nhất, Viettel sẽ nhanh chóng tìm hiểu được những kĩ năng sáng tạo mới của làn sóng đang phát triển mạnh mẽ trên thị trường viễn thông Việt Nam và thế giới. Khi đó, tập đoàn có thể tạo ra sự đối chọi ngay tại trong nước giữa những công ty con của mình (công ty OTT đối đầu với Tổng công ty viễn thông Viettel), thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình đổi mới của mảng di động. “Bên cạnh đó, doanh thu từ công ty OTT tăng lên chính là bù đắp cho phần tăng trưởng chậm hoặc giảm đi của di động”, ông này nói.


Thứ hai, khi tìm hiểu và nắm được bí quyết của một công ty OTT, Viettel sẽ có cơ hội bước chân vào những thị trường mà mật độ di động là 100% (hiện tại, hãng viễn thông này chỉ có thể mở rộng ở nước nước ngoài tại những nơi thị trường di động chưa bão hòa).


Tuy nhiên, ông này cũng cho biết, việc mua công ty OTT không phải là biện pháp chiến lược mà đơn giản là một ý tưởng được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này gặp khó khăn về tăng trưởng cũng như muốn đẩy mạnh khả năng đổi mới, sáng tạo.


Theo Zing



[gallery] Loạt ảnh ấn tượng tại MWC 2014

[gallery] Loạt ảnh ấn tượng tại MWC 2014

[video] Video chính thức giới thiệu Nokia Asha 230

[video] Video chính thức giới thiệu Nokia Asha 230





Trần Tiến gửi vào Thứ sáu, 28 Tháng 2, 2014 - 19:07. 69 lượt xem.

Điện thoại xếp hình Ara sẽ có giá dưới 50 USD

Điện thoại xếp hình Ara sẽ có giá dưới 50 USD

Google kì vọng dự án Project Ara sẽ mang đến chiếc điện thoại "được thiết kế riêng cho 6 tỉ người dùng toàn cầu". Họ đã chia sẻ thêm một số hình ảnh cũng như đặt mục tiêu cho ra đời sản phẩm với giá rẻ.



Với giá khởi điểm không vượt quá 50 USD, người sử dụng sẽ có thể mua một điện thoại với bảng mạch, màn hình cảm ứng và kết nối Wi-Fi. Google sẽ xây dựng một gian hàng để mọi người có thể mua thêm các bộ phận khác để lắp ráp vào máy tùy theo nhu cầu và túi tiền như camera, cảm biến...


Paul Eremenko, thuộc nhóm phát triển dự án và công nghệ tiên tiến Google ATAP, cho hay bản thử nghiệm (prototype) có thể hoạt động được của Ara sẽ xuất hiện "chỉ vài tuần nữa". Bản hoàn thiện dự kiến sẽ ra đời trong quý I/2015.


Ara là smartphone tùy biến, xuất phát từ ý tưởng của nhà thiết kế Dave Hakkens với tham vọng xây dựng một chiếc điện thoại với các bộ phận có thể tháo lắp để người sử dụng dễ dàng thay đổi, nâng cấp... Motorola đã phối hợp với Hakkens để thực hiện dự án Project Ara và sau khi sáp nhập vào Lenono, họ để lại dự án Ara cho Google.


Google sẽ tổ chức hội thảo các nhà phát triển Ara Developers Conference vào ngày 15-16/4 tại Mountain View, California (Mỹ) để giới thiệu nền tảng, bộ công cụ hỗ trợ giới chuyên gia phát triển các module cho Ara. Họ đang kêu gọi các chuyên gia, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), các công ty khởi nghiệp (startup) cùng tham gia biến ước mơ thành hiện thực. Nếu thành công, Ara hứa hẹn là sản phẩm đột phá nhất kể từ khi Apple trình làng iPhone.


Ảnh

Một ảnh concept về Ara của Google.



Ảnh

Các module để người dùng có thể lắp thêm vào điện thoại.



Ảnh

Mặt sau của điện thoại Ara.



Theo VnExpress



Hãng hàng không Đức cho dùng thiết bị di động trên máy bay

Hãng hàng không Đức cho dùng thiết bị di động trên máy bay

Từ tháng 3/2014, hành khách của hãng hàng không Đức Germanwings sẽ không phải tắt máy điện thoại di động trên tất cả các chuyến bay ngay cả khi cất cánh và hạ cánh.


Ảnh

Hành khách được sử dụng điện thoại di động ngay cả khi máy bay cất cánh. Ảnh: DPA.



Theo thông báo từ Germanwings, khi cất cánh và hạ cánh, hành khách sẽ không cần tắt máy điện thoại di động hay các thiết bị di động khác. Tuy nhiên, khi lên máy bay, với các thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị đọc sách của hành khách cần bật sang "chế độ bay" và không được thực hiện các cuộc gọi cá nhân trong lúc máy bay lên xuống.


Ảnh

Số liệu trong cuộc thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu thị trường Aris thực hiện cho Hiệp hội công nghệ thông tin Bitkom, đa số người được hỏi ở Đức muốn sử dụng điện thoại di động khi đi máy bay.



Như vậy, số ý kiến phản đối mở điện thoại di động trên máy bay đã giảm mạnh so với thời điểm 3 năm trước, khi có tới 55% số người được hỏi phản đối dùng điện thoại di động trên máy bay.


"Ngày nay, thiết bị di động, điện thoại thông minh và máy tính bảng là những thứ thiết yếu hàng ngày của chúng ta. Nhiều người muốn sử dụng chúng cho công việc riêng trong lúc đi lại. Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) cùng nhiều cơ quan khác hiện đang nghiên cứu việc cho phép gọi điện thoại khi đi máy bay", lãnh đạo Bitkom, ông Bernhard Rohleder nói.


Theo Báo Tin tức



Camera kép thay đổi cách chụp ảnh trên smartphone

Camera kép thay đổi cách chụp ảnh trên smartphone

Công nghệ máy ảnh mới của công ty Corephotonics đến từ Israel cho phép smartphone có thể zoom quang mà không cần đến bộ phận chuyển động.


Công nghệ dual-camera đến từ Corephotonics vừa giới thiệu tại MWC hứa hẹn có thể thay đổi cách chụp ảnh với smartphone, có thể sẽ được ra mắt ngay trong đầu năm nay. Mặc dù không đưa ra bất kì bình luận nào, nhưng nhiều khả năng công nghệ này sẽ được sử dụng trên mẫu smartphone hàng đầu của HTC có tên mã M8 vốn được tiết lộ về một camera kép.


Ảnh

Ảnh: Aloysius Low/CNET.



Theo Corephotonics, cảm biến của công ty sử dụng 2 camera 13-megapixel, kết hợp các thuật toán đặc biệt dựa trên sức mạnh của chíp Snapdragon 800 của Qualcomm, cho phép chúng zoom quang đến 5 lần mà không cần phải sử dụng đến bất kì bộ phận chuyển động nào.


Eran Kali, đại diện của Corephotonics giải thích về sự kì diệu này sẽ xảy ra khi hình ảnh được chụp bởi 2 ống kính, một có chức năng tele tiêu cự cố định trong khoảng cách hẹp, trong khi một có chức năng điều chỉnh góc rộng, kết hợp với nhau thông qua các thuật toán để tạo ra một hình ảnh duy nhất.


Tuy nhiên, hệ thống dual-camera này chỉ có thể làm việc trên nền tảng Snapdragon 800 của Qualcomm, có trách nhiệm xử lí 2 tín hiệu hình ảnh, cho phép hình ảnh từ cả 2 được truyền tải để xử lí cùng một lúc.


Kết quả sẽ cho hình ảnh sắc nét hơn đáng kể khi phóng to, và có ít độ nhòe so với hoạt động điều chỉnh zoom số (chỉ tăng góc rộng). Nếu so sánh với Lumia 1020 khi zoom lên, hình ảnh của Corephotonics hứa hẹn sẽ cho kết quả tốt hơn rất nhiều.


Không chỉ có thế, khả năng xử lí hình ảnh thông minh sẽ cho phép kiểm soát 2 ống kính, nếu phát hiện một điểm ảnh bị tắt thì nó sẽ sử dụng điểm ảnh rõ hơn trong hình ảnh ống kính khác để thay thế. Hơn nữa, để giữ độ nhiễu ở mức tối thiểu, ống kính tele sẽ có bộ lọc màu sắc và loại bỏ độ nhiễu. Điều này cho phép ánh sáng được truyền đến nhiều hơn và cải thiện độ trung thực của hình ảnh cuối cùng. Màu sắc không bị ảnh hưởng như các thành phần góc rộng.


Ảnh

Ảnh: Aloysius Low/CNET.



Kali giải thích thêm rằng hệ thống dual-camera có thể chụp ảnh HDR chỉ với một bức ảnh chụp duy nhất, không giống như các điện thoại khác sử dụng 3 hình ảnh khác nhau để kết hợp lại. Tất cả mọi thứ được diễn ra trong thời gian thực.


Khả năng lấy nét diễn ra cũng khá nhanh. Vì đây là kết quả làm việc của cả 2 camera trên một thiết bị, điều này đã được Kali chứng minh tại MWC với khả năng lấy nét chỉ mất khoảng 100 ms.


Corephotonics nói rằng người dùng sẽ thấy công nghệ của họ trên các thiết bị cầm tay sử dụng chíp Snapdragon 800 vào đầu năm nay, và hầu hết các bộ phận đều đã sẵn sàng. Cảm biến ảnh 13 megapixel được phát triển từ Sony, và dĩ nhiên giá sản phẩm có thể cao hơn do có đến 2 camera, nhưng khẳng định sẽ rẻ hơn so với một điện thoại có camera 20 megapixel, chẳng hạn như Sony Xperia Z2.


Theo NLĐ/CNET



Google: “Galaxy S6 không cài Tizen”

Google: “Galaxy S6 không cài Tizen”

Trước nguy cơ Samsung có thể chuyển sang hệ điều hành Tizen ở siêu phẩm kế tiếp của họ máy Galaxy S, Giám đốc phát triển Android và Chrome của Google đã lên tiếng trấn an dư luận rằng Galaxy S6 sẽ vẫn tiếp tục lựa chọn Android.


Ảnh

Sundar Pichai, Giám đốc phát triển Android và Chrome của Google



Khi bị chất vấn liệu có phải mối quan hệ giữa Google và Samsung đang có những thay đổi "dậy sóng" hay không, Sundar Pichai trả lời rằng thực tế diễn ra "tẻ nhạt hơn nhiều" so với những gì mà báo chí đưa tin. Ông cũng dội nước lạnh vào tin đồn hai bên đang căng thẳng với nhau, dù thừa nhận mình thích Samsung sử dụng Android trên các thiết bị wearable mới như đồng hồ thông minh và vòng tay y tế hơn (Bộ đôi smartwatch Gear 2 và Gear 2 Neo đã gây xôn xao khi đá Android để chuyển sang dùng Tizen OS tại MWC 2014).


Pichai cũng đảm bảo với người dùng rằng Galaxy S6 sẽ vẫn là một bom tấn của binh đoàn Android chứ không đi lạc sang các hệ điều hành khác.


"Google không hề ngỏ lời mua lại WhatsApp"


Bên cạnh thông tin đáng chú ý nhất liên quan đến S6, ông Pichai cũng đưa ra nhiều bình luận thú vị về những vấn đề thời sự nhất của làng công nghệ tại thời điểm này.


"Google chưa bao giờ ngỏ lời mua lại WhatsApp. Thông tin này là hoàn toàn sai lệch", Pichai khẳng định như đinh đóng cột. Đúng là Google có nói chuyện với WhatsApp nhưng không có bất cứ một thương vụ hay một lời đề xuất nào hết. Pichai cũng cho biết ông rất háo hức xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với Facebook và WhatsApp.


"Microsoft muốn làm gì với Android thì tùy ý"


Khi được hỏi về những chiếc điện thoại cài Android đầu tiên của Nokia, Pichai bật cười nói: "Đây là bằng chứng cho thấy chúng tôi hoàn toàn nói thật khi tuyên bố Android là một hệ điều hành miễn phí và tự do". Nói cách khác, Google có vẻ không bận tâm lắm (ít nhất là ngoài mặt) về việc bộ ba Nokia X, X+ và XL không cài sẵn các dịch vụ của Gmail cũng như không thể truy cập quầy ứng dụng Google Play một cách chính thống. Tuy vậy, Pichai cũng bình luận rằng ông không hiểu rõ lắm về chiến lược của Microsoft dành cho Nokia.


Không có Nexus 6 trước mùa thu


Liên quan đến chiếc điện thoại Nexus kế tiếp, Pichai khẳng định Nexus 6 sẽ không ra mắt trong nửa đầu năm 2014. Tức là nhanh nhất, người dùng cũng phải chờ tới quý III để gặp gỡ siêu phẩm giá rẻ mới của Google.


Theo Vietnamnet



Siêu di động Xperia Z3 sẽ ra mắt vào tháng 8

Siêu di động Xperia Z3 sẽ ra mắt vào tháng 8

Khi Xperia Z2 còn chưa hết nóng khi vừa mới xuất hiện tại MWC 2014 thì ngay sau đó không lâu lại xuất hiện thông tin cho thấy Sony sẽ ra mắt phiên kế nhiệm smartphone này là Xperia Z3 vào tháng 8 năm nay.



Nếu điều này trở thành sự thật thì cũng đồng nghĩa rằng vòng đời siêu phẩm của Sony sẽ bị rút ngắn xuống chỉ còn 6 tháng. Nhà điện thoại Nhật Bản tin tưởng rằng với chu kì 6 tháng, hãng có thể cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ.


Thông tin về thiết kế cũng như cấu hình của Xperia Z3 vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ một quan chức cấp cao của Sony là Yoshiro Kurozumi, Giám đốc sáng tạo của Sony Mobile thì hãng sẽ không chỉ áp dụng duy nhất một kiểu thiết kế. Hi vọng rằng khi Z3 xuất hiện, chúng ta có thể chứng kiến một siêu phẩm với thiết kế hoàn toàn khác OmniBalance hiện nay.


Theo Genk/Phone Arena



Chấn động phát hiện 120 bài báo khoa học giả

Chấn động phát hiện 120 bài báo khoa học giả

Nhà xuất bản tạp chí khoa học SpringerIEEE (Viện kĩ sư điện và điện tử) cho biết sẽ gỡ 120 bài báo khoa học sau khi một nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện những tác giả của bài báo sử dụng phần mềm máy tính viết ra thay vì nghiên cứu thật sự.


Ảnh

Các bài báo về nghiên cứu khoa học được tạo ra từ phần mềm máy tính



Vụ việc xấu hổ trong giới khoa học này lộ ra nhờ sự phát hiện của nhà khoa học máy tính người Pháp Cyril Labbé (41 tuổi) của ĐH Joseph Fourier, Grenoble. Ông đã phát triển được 1 phương pháp dò tự động những bài viết được soạn bởi phần mềm chuyên chắp vá những từ ngữ, câu văn, đoạn văn lấy một cách ngẫu nhiên từ những bài báo khác có tên là SCIgen. Phần mềm này được phát minh vào năm 2005 bởi 3 sinh viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge.


Vào tháng 4/2010, Labbé đã thử sử dụng SCIgen để tạo ra một tác giả ảo có tên Ike Antkare với 102 bài báo để thêm vào cơ sở dữ liệu của Google Scholar. Sau một thời gian, cái tên Ike Antkare đã được xếp ở vị trí 21 trong danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, trong khi Einstein chỉ xếp ở vị trí 36.


Trong hơn hai năm qua, nhà khoa học Pháp này đã tìm ra 16 bài báo “rởm” được công bố trên Tạp chí Springer có trụ sở ở Heifelberg (Đức) và hơn 100 bài đăng trên IEEE có trụ sở tại New York (Mỹ) từ năm 2008 đến năm 2013. Theo ông Labbé, hầu hết những hội nghị đều diễn ra ở Trung Quốc và hầu hết những bài báo giả đều có tác giả người Trung Quốc.


Monika Stickel - Giám đốc truyền thông của IEEE - cho biết nhà xuất bản này đã gỡ bỏ ngay lập tức các bài báo "vô nghĩa" trên và trong tương lai sẽ sử dụng quy trình của Labbé để ngăn chặn các bài báo tương tự không đủ tiêu chuẩn xuất bản.


Phía Springer cũng đã liên hệ với phía biên tập và tác giả để giải quyết các vấn đề liên quan để gỡ bỏ những bài báo không đạt chất lượng.


Theo Người Lao Động/The Guardian



Những sai lầm mà người dùng Windows nên tránh

Những sai lầm mà người dùng Windows nên tránh

Bài viết dưới đây sẽ nêu lên những sai lầm chính mà người dùng nên tránh trong quá trình làm việc và sử dụng với các thiết bị máy tính chạy HĐH Windows.


Không gì có thể là hoàn hảo đối với bạn. Nhất là trong việc sử dụng máy tính Windows. Dù là người dùng lâu năm có nhiều kinh nghiệm nhưng đôi lúc cũng mắc sai lầm. Cụ thể ở đây là trong việc sử dụng Windows. Bài viết này sẽ nêu lên những sai lầm chính mà người dùng nên tránh trong quá trình làm việc và sử dụng Windows.


Ảnh

Những sai lầm mà người dùng Windows nên tránh



Sử dụng phần mềm hỗ trợ cài đặt sẳn hàng loạt miễn phí


Để tiết kiệm thời gian, người dùng thường có xu hướng sử dụng các phần mềm hỗ trợ việc tải và cài đặt hàng loạt phần mềm cho Windows. Việc làm này không phải là sai, tuy nhiên việc quá tin tưởng vào các phần mềm dạng này đôi khi ẩn chứa nhiều lo ngại. Vì có ai biết được nó sẽ tải phần mềm từ đâu, trong lúc cài đặt phần mềm chính thì nó có cài thêm phần mềm “phụ” nào không?


Việc cài đặt từng phần mềm thủ công tuy mất thời gian nhưng bạn nắm rõ được nguồn cung cấp và có thể ngăn chặn được việc cài thêm các “sản phẩm phụ” không mong muốn.



Nếu đã “lỡ” sử dụng các phần mềm dạng “all in one” trên thì bạn có thể sử dụng công cụ PC Decrapifier để kiểm tra lại và gỡ bỏ các phần mềm rác không mong muốn.


Giữ nguyên các thiết lập mặc định khi cài đặt phần mềm


Ai cũng thích sử dụng các phần mềm miễn phí phải không? Thật không may là các phần mềm miễn phí luôn kèm theo quảng cáo và trong nhiều trường hợp nó sẽ “kèm” thêm các phần mềm rác khi người dùng cài đặt phần mềm chính. Các phần mềm này đôi khi là nguy hiểm với Windows hoặc làm giảm hiệu suất hoạt động của Windows.



Do đó, người dùng nên lưu ý việc cài đặt các phần mềm miễn phí này. Nên cẩn thận đọc kĩ và nhấn chọn vào các tùy chọn cài đặt chính. Không nên cứ Next, Next liên tục nhé. Nếu phần mềm có hỗ trợ Custom install, bạn nên chọn nó và đánh dấu vào các mục cần và bỏ đánh dấu ở các mục không cần thiết để tránh cài thêm các phần mềm rác cho Windows.


Làm sạch Registry


Một sự thật mà người dùng nên biết là việc làm sạch các khóa Registry không làm cho tốc độ Windows được cải thiện. Tuy nhiên các chương trình quảng cáo của các phần mềm dọn dẹp Registry lại thổi phồng và bác bỏ sự thật này.



Trong thực tế, bạn có thể làm cho máy tính chạy chậm hơn khi chạy một chương trình dọn dẹp Registry.


Thực hiện việc chống phân mảnh cho ổ đĩa quá nhiều


Windows tự thực hiện công việc chống phân mảnh cho ổ đĩa một cách tự động ở chế độ nền. Vì thế bạn không cần phải thực hiện công việc này. Nếu có, bạn chỉ nên thực hiện khi tình trạng phân mảnh nằm ở mức 5-10%.



Và việc này chỉ có thể làm trên ổ cứng HDD, còn SSD thì không nên vì có thể bạn sẽ làm giảm tuổi thọ của nó.


Không khởi động lại Windows


Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy Windows có những “triệu chứng” kì lạ thì bạn nên tiến hành khởi động lại Windows. Việc làm này sẽ giúp cho vấn đề được giải quyết.


Việc khởi động lại Windows được xem là cứu cánh cho hàng tấn các vấn đề mà bạn có thể gặp trong quá trình sử dụng Windows như chạy chậm, các chương trình sử dụng quá nhiều bộ nhớ, Internet hoặc các vấn đề kết nối WiFi và màn hình Windows với màu xanh chết chóc


Không sao lưu dữ liệu


Có nhiều lí do cho việc mất dữ liệu, phổ biến là tình cờ xóa, hư hỏng ổ cứng, virus, hoạt động bị gián đoạn và tắt máy không đúng lúc.



Nếu không có biện pháp sao lưu kịp thời, các dữ liệu của bạn có thể “ra đi không trở lại”. Tuy nhiên nếu có sao lưu, bạn có thể dễ dàng tìm lại được chúng và an tâm khi làm việc. Nếu đang sử dụng Windows 8/8.1, SkyDrive là nơi mà bạn nên lưu dữ liệu vào.


Không cập nhật Windows và phần mềm


Các nhà phát triển luôn tung ra các bản cập nhật dành cho các sản phẩm phần mềm của mình, kể cả hệ điều hành Windows. Các bản cập nhật chủ yếu bao gồm: tung ra tính năng mới, sửa lỗi, vá lỗ hổng bảo mật và làm cho hệ thống an toàn hơn.


Dù muốn dù không thì việc cập nhật là khá quan trọng, người dùng nên chú ý vấn đề này.


Ngoài ra, bạn cũng nên lên lịch việc cập nhật và quét virus hàng ngày cho Windows vì lí do đơn giản là cơ sở dữ liệu của antivirus luôn được cập nhật hàng ngày để antivirus có thể giải quyết những rủi ro mới nếu phát sinh.


Theo Genk



Nhà mạng có quyền thu hồi SIM trả trước quá thời hạn lưu hành

Nhà mạng có quyền thu hồi SIM trả trước quá thời hạn lưu hành

Ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, số thuê bao là tài nguyên viễn thông quốc gia và giao cho doanh nghiệp quản lí. Nhà mạng có quyền thu hồi số thuê bao để tái sử dụng nếu quá thời hạn lưu hành không được kích hoạt.



Hiện nay, MobiFone, VinaPhone, Viettel và Vietnamobile đều đưa ra quy định SIM sẽ bị thu hồi nếu quá thời gian lưu hành mà nhà mạng đưa ra (khoảng 2 năm) nhưng không kích hoạt. Vậy nhà mạng có quyền thu thu hồi những SIM này hay không, thưa ông?


Thành phần của bộ SIM kit gồm 3 phần. Thứ nhất là tài khoản, thứ hai là tài nguyên viễn thông (số thuê bao) và thứ ba là giá trị vật chất của chiếc SIM trắng. Trong đó, số thuê bao là tài nguyên viễn thông và giao cho doanh nghiệp quản lí, sử dụng. Vì vậy, khi khách hàng kí hợp đồng với nhà mạng thì được quyền sử dụng số thuê bao này một cách có điều kiện với dịch vụ đi kèm. Số thuê bao đó không phải là tài sản của người sử dụng mà là tài nguyên viễn thông. Hiện cơ quan quản lí nhà nước không có quy định nào về thời hạn lưu hành của SIM. Nhà mạng sẽ căn cứ và tình hình kinh doanh của mình mà quy định về thời hạn lưu hành của SIM để sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên viễn thông đã được phân bổ.


Vì vậy, những số thuê bao này có thể bị cắt khi quá thời hạn lưu hành như bị khóa hai chiều, sử dụng không đúng quy định... Nhà mạng có quyền thu hồi số thuê bao (SIM) sau thời gian đã được nhà mạng quy định nhưng không được kích hoạt sử dụng để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số. Nếu SIM được lưu thông trên hệ thống phân phối mà không được đưa vào sử dụng sẽ gây lãng phí nguồn lực của nhà mạng và tài nguyên quốc gia. Đối với phần SIM trắng, đây là tài sản của khách hàng và nhà mạng không có quyền thu hồi.


Xét cả 3 yếu tố trên thì việc các mạng thu hồi SIM sau 2 năm lưu hành trên thị trường mà không kích hoạt là hợp pháp. Khách hàng mua SIM để sử dụng chứ không phải để lưu trữ. Nếu SIM không được đưa vào sử dụng sẽ gây thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ bởi trong thời gian khách hàng lưu trữ SIM thì nhà mạng vẫn phải trả các khoản phí cho Nhà nước như phí tần số, phí kho số cũng như lưu trữ trên hệ thống tổng tài và mạng lưới đã khai báo để sẵn sàng quản lí số SIM này. Trong khi đó, nhà mạng không thu được bất kì số tiền gì từ khách hàng bởi tài khoản chính của khách hàng vẫn còn đó và chưa được kích hoạt sử dụng.


Xin ông cho biết khi nhà mạng tiến hành thu hồi SIM có phải thông báo cho khách hàng không?


Khi nhà mạng tiến hành thu hồi SIM quá thời hạn lưu hành trên hệ thống thì phải thông báo cho khách hàng. Việc thông báo cho khách hàng được thực hiện dưới các hình thức như trên kênh bán hàng và theo đúng thời hạn đã ghi trên các sản phẩm khi bán ra… Nhà mạng phải thông báo trước khi thu hồi SIM một cách rõ ràng cho khách hàng để họ có thời gian kích hoạt nếu có nhu cầu hoặc chuyển tài khoản của những SIM này sang thuê bao khác nếu họ không còn nhu cầu sử dụng.


Về phía nhà mạng cũng phải căn cứ trên nhu cầu thị trường để cung cấp lượng SIM phù hợp tránh tình trạng phát hành SIM ồ ạt gây lãng phí. Đối với khách hàng, sau khi nhà mạng thông báo nếu có nhu cầu sử dụng thì kích hoạt SIM, nếu không có nhu cầu sử dụng thì có thể chuyển tài khoản chính này cho thuê bao khác.


Đối với trường hợp khách hàng không biết thông báo nhưng biết thì đã quá thời gian thu hồi SIM của nhà mạng, liệu có thể yêu cầu nhà mạng hoàn trả tài khoản được không?


Khi nhà mạng thu hồi SIM thì phải quy định thời gian cụ thể, rõ ràng để khách hàng chủ động kích hoạt sử dụng hoặc chuyển tài khoản chứ không phải thời gian kéo dài mãi. Đây được xem là việc khách hàng tự nguyện từ bỏ quyền lợi của mình.


Xin cảm ơn ông!


Theo ICTnews



QUẢN LÝ KHÁCH SẠN NHÀ HÀNG

QUẢN TRỊ NHÀ HÀNG KHÁCH SẠN

QUẢN TRỊ NHÀ HÀNG KHÁCH SẠN Nỗ lực tìm một CEO (tổng giám đốc) chuyên nghiệp với kỳ vọng người này sẽ đồng hành, gắn bó lâu dài là tâm lý chung của đa số doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, những cuộc “hôn nhân” đó đều chấm dứt chỉ sau một thời gian ngắn. Khi có sự thay đổi lớn về chiến lược, chẳng hạn như tái cấu trúc, chuẩn bị mua bán – sáp nhập, mở rộng vốn đầu tư và thị trường, các chủ doanh nghiệp thường có nhu cầu tìm kiếm một tướng giỏi để giúp họ lèo lái công việc. Song, khi đã thành công hoặc tạm thành công với chiến lược mới, dấu hiệu rạn nứt giữa đôi bên bắt đầu xảy ra và CEO phải ra đi. Ông Robert Trần, CEO Công ty Robenny khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuyên tư vấn và cho thuê CEO, khuyên, các ông chủ doanh nghiệp đừng quá kỳ vọng vào một cuộc hôn nhân bền vững, lâu dài. “Doanh nghiệp Việt nên thay đổi quan niệm, chọn đúng CEO vào đúng từng giai đoạn phát triển của công ty”, ông nói. Đây cũng là cách thức mà các nước phát triển đã áp dụng thành công.

Khi nào tôi cần thuê CEO?
Nam Long là một tập đoàn chuyên đầu tư và kinh doanh bất động sản đã trải qua 18 năm tồn tại, có 8 công ty con và đang hoạt động mạnh trong 3 lĩnh vực: phát triển quỹ đất, nhà ở và các dự án văn phòng, trung tâm thương mại. Với quy mô ngày càng lớn, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, cho biết ông muốn tìm một CEO chuyên nghiệp nhưng 5 năm rồi vẫn chưa tìm được.
Không giống như Nam Long, các công ty như Đồng Tâm, Giấy Sài Gòn đều đã thuê CEO, nhưng rồi họ cũng ra đi. Sau các cuộc chia tay đó, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đồng Tâm và ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Giấy Sài Gòn, đã có những trải nghiệm quý giá chia sẻ với gần 200 doanh nhân tại buổi Tọa đàm “Finding CEO – Gian nan đường tìm tướng giỏi” do Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua.
Theo ông Robert Trần, mỗi doanh nghiệp đều trải qua 3 giai đoạn phát triển: bắt đầu phát triển, phát triển và phát triển bền vững. Ở mỗi giai đoạn doanh nghiệp sẽ có mục tiêu khác nhau nên nhu cầu thuê CEO cũng khác nhau. Theo ông, đa số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam hiện nay ở giai đoạn đang phát triển, nhưng chính xác là vào đầu, giữa hay cuối giai đoạn thì chủ doanh nghiệp cần phải xác định rõ.
Năm 2007, Đồng Tâm là 1 trong 2 doanh nghiệp lớn của Việt Nam được Bộ Khoa học Công nghệ chọn triển khai thí điểm dự án “Vươn tới đỉnh cao” (BiC – Best in Class), xây dựng những thương hiệu lớn của Việt Nam vươn lên tầm khu vực. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải tái cấu trúc dây chuyền sản xuất, nhân sự… Chủ tịch Võ Quốc Thắng đã mời ông Etienne Lucien Laude (quốc tịch Pháp), từng là CEO Công ty Thiết bị Điện Schneider Vietnam, về giữ chức CEO của Đồng Tâm.
Về Đồng Tâm tháng 8.2008, ông Laude đã bắt tay triển khai module đầu tiên về quản lý sản xuất theo BiC, giúp tiết kiệm tối đa chi phí quản lý, hạn chế tồn kho… Tuy nhiên, cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Đồng Tâm đã kết thúc hợp đồng 2 năm với CEO người Pháp này, dù những module quan trọng của quá trình tái cấu trúc vẫn chưa kết thúc.
Giống như Đồng Tâm, đầu năm 2003, Giấy Sài Gòn tiến hành cổ phần hóa, ông Vị đã bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi mô hình quản trị từ gia đình sang kiểu quản lý chuyên nghiệp thường thấy ở nhiều tập đoàn đa quốc gia, thuê CEO điều hành Công ty, còn ông lui về làm chiến lược. Đến năm 2008, Giấy Sài Gòn quyết định tăng vốn, mở rộng đầu tư và đã mời ông Trần Xuân Nam về làm CEO. Ông Nam từng là giám đốc tài chính của nhiều công ty lớn như Đồ gỗ Scancom Việt Nam (Đan Mạch), Coca-Cola Việt Nam, Tập đoàn Kinh Đô và là Phó Giám đốc Công ty Gỗ Trường Thành. Với kinh nghiệm và chuyên môn về tài chính, ông Nam đã rất thành công trong việc huy động vốn cho Công ty. Tuy nhiên, khi Giấy Sài Gòn đặt ra chỉ tiêu duy trì và tăng trưởng doanh thu trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu thì sở trường tài chính của vị CEO mới không còn phù hợp. Cuối năm 2008, ông Nam từ chức.
Lúc này, ông Vị đã mời ông Huỳnh Văn Rô, vốn giỏi trong lĩnh vực bán hàng, về thay ông Nam. Năm 2008, dưới thời ông Rô, tốc độ tăng trưởng của Giấy Sài Gòn có phần ổn định, song tình hình nhân sự lại có nhiều xáo trộn, không ít người giỏi đã ra đi. Đến cuối năm 2009 ông Rô cũng rời Giấy Sài Gòn, ông Vị lại trở về với vai trò CEO.
Cũng với mục đích thay đổi chiến lược, năm 2009, Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa quyết định mở rộng thị trường ở nước ngoài, tham vọng xây dựng thương hiệu toàn cầu và mời ông Đỗ Hòa về làm CEO. Ông Hòa từng có hơn 10 năm làm CEO cho các công ty thương mại nước ngoài và Giám đốc Chiến lược Khu vực Đông Nam Á cùng với New Zealand và Úc của Tập đoàn Shell (Hà Lan) suốt 9 năm, trong đó có 2 năm làm chuyên gia cao cấp của Shell tại Indonesia. Tuy nhiên, sau 1 năm, ông Hòa cũng rời Kềm Nghĩa với lý do không đồng quan điểm về chiến lược phát triển của Công ty. Sau 1 năm ông Hòa làm CEO, doanh số của Kềm Nghĩa đã tăng từ 13% lên 21%, ngay trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu và doanh số của toàn ngành lúc đó giảm đến 40%.
Dù đều có kết cục chung đường ai nấy đi, nhưng sau những cuộc chia tay này ông Robert Trần cho rằng, các ông chủ doanh nghiệp nói trên vẫn đạt được những thành công nhất định vì đã chọn đúng CEO vào đúng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến đây một câu hỏi khó lại được đặt ra là biết tìm ở đâu những CEO như vậy.
CEO đến từ đâu?
Theo ông Robert Trần, có 3 nguồn thuê CEO là người Việt làm quản lý tại các công ty đa quốc gia, Việt kiều và nhà quản lý người nước ngoài.
Nhóm CEO người Việt có mặt mạnh là am hiểu thị trường, có nhiệt huyết và tham vọng phát triển nhanh. Đặc biệt, họ cùng có chung ngôn ngữ, am hiểu văn hóa làm việc của người Việt. Trong khi đó, các CEO là Việt kiều đa số có kinh nghiệm quản lý từ các tập đoàn đa quốc gia và lợi thế của họ là giỏi ngoại ngữ, biết văn hóa làm việc ở trong nước và cả nước ngoài. Cuối cùng là CEO người nước ngoài, với lợi thế được đào tạo và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia, hiểu thị trường nước ngoài.